Chuyến đi thực địa có thể gọi là đầu tiên chính là chuyến đi lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp ĐH cuối năm 1993. Hồi đó mình và Ngọc già cùng làm đề tài ở Lâm trường Hàm Yên, Tuyên Quang. Hai đứa làm cùng ở đội 322, Ngọc làm về khoán kinh doanh rừng lâu dài còn mình làm về kinh tế hộ. Mượn được của anh Ánh, đội trưởng đội 322 (học khóa 26 trường mình) cái xe đạp, hàng ngày Ngọc chở mình vào trong đội, cách lâm trường bộ khoảng 4, 5 km để đi phỏng vấn. Hồi đó nói là đi phỏng vấn nhưng cũng chẳng có kinh nghiệm gì, gặp gì hỏi nấy. Thế rồi cũng xong và tốt nghiệp.
Ra trường, về dạy ở trường Trung học Lâm nghiệp Tây nguyên, nhiệm vụ chính là chửa, đẻ thành ra không phải đi thực địa ngoài mấy đợt đi dạy tại chức ở Bình Định và Phú Yên. Chuyến đi Sapa, Lào Cai tháng 10 năm 1996 là chuyến đi thực địa đầu tiên kể từ ngày ra trường. Hồi đó mình tham gia khóa đào tạo về Phát triển bền vững miền núi do CRES tổ chức. Chuyến đi thực địa đó thực ra là để thực hành các công cụ PRA và RRA. Nói là đi thực địa nhưng thực ra được tổ chức như kiểu đi du lịch, hay đúng hơn là một study tour. Cả lớp được nghỉ ở nhà khách của huyện Sa Pa, hàng ngày được xe ô tô chở vào xã Tà Phìn, một xã chủ yếu là người Dao đỏ và một thôn người H’Mông. Điều đặc biệt của chuyến đi này là được biết đến chợ tình Sa Pa với những nét văn hóa độc đáo. Thực ra thì văn hóa dân tộc cũng đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai khá nhiều ngay từ những năm đó. Mình vẫn còn nhớ cảnh các chàng trai người Dao và người H’Mông đáng lẽ phải thổi khèn và múa để quyến rũ các cô gái thì mỗi người lại có một cái catset (đài của Trung quốc, hồi đó có giá khoảng 150.000 đồng) thu sẵn các bản nhạc, nếu thích cô nào thì chỉ cần đến gần, bật nhạc lên và ale hấp…
Năm 1997 chuyển về trường mới thì năm 1998 bắt đầu tham gia đợt thực địa ở 3 xã Bình Thanh, Thung Nai và Ngòi Hoa (chủ yếu là người dân tộc Mường) của tỉnh Hòa Bình làm về Hương ước QLBVR cấp thôn bản. Hồi đó mấy xã vùng cao của Hòa Bình đều chưa có điện mặc dù người dân ở đó đã phải chuyển lên cao sống khi đập Hòa Bình hoàn thành. Đó cũng là những ngày đáng nhớ khi thực sự là đi thực địa, sống với người dân và ít nhất là cũng hiểu được phần nào cuộc sống của họ. Nhà vệ sinh và nhà tắm thực sự là “xa xỉ” ở những nơi như thế. Cái cảnh mà mấy chị em còn nhớ là tối đến, cả lũ kéo nhau ra rừng, đứa thì đèn pin, đứa thì cầm gậy để đánh chó đi “giải quyết nỗi buồn” cho cả một ngày đằng đẵng.
Cũng chỉ được tham gia với đề tài này được một nửa thời gian thì phải chia tay để đi Hà Lan 10 tháng. Cứ tưởng là sẽ không được đi thực địa nữa cơ, vậy mà sang đó mình cũng có một chuyến đi thực địa 1 tuần (cũng là để thực hành các công cụ PRA và RRA). Đó là chuyến đi được tổ chức cho cả 4 courses của Larenstein năm đó đến một vùng nông thôn của Hà Lan. Bọn mình được học cách không chỉ thực hiện các công cụ mà còn học cả cách tổ chức một đợt RRA hòan chỉnh với khoảng thời gian 1 tuần. Ngày đầu tiên, Henslink chở một nhóm trên chiếc xe 7 chỗ. Thấy mình say xe quá nên ông thầy dừng lại để mua thuốc chống nôn cho mình. Khi ra xe ông ấy hỏi: “Mày có bầu không”. Cả lũ ngớ người ra, tại sao ông ấy lại hỏi thế nhỉ. “Thì tao đọc trong hướng dẫn là không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú” hehehhehhe cả lũ được trận cười nghiêng ngả. Ngày thứ hai, mình và Jerome (người Jamaica) được phân công đi phỏng vấn một ông nông dân Hà Lan. Ông này có hẳn bằng Thạc sỹ nông học nhé. Jerome hỏi, mình ghi chép. Tối về mình có nhiệm vụ tập hợp kết quả phỏng vấn và viết lên giấy A0 để nó trình bày trước cả nhóm lớn. Jerome rất đĩnh đạc trình bày. Đến cái mục gì đó thấy có chữ “Physical Relationship” cu cậu đứng nghệt người ra, không nói được nữa. Hóa ra khi phỏng vấn, ông nông dân có nói gì đó đến “Fiscal relationship” nhưng với trình độ tiếng Anh “củ chuối” nên mình không hiểu đó là cái gì, cuối cùng phết đại vào là “Physical Relationship”. Cả lớp lại được trận cười vỡ bụng, thậm chí Henslink còn trình diễn body và bôi bác mình: “Hà, physical relationship là thế này này”. Xấu hổ không chịu được hihihihihi. Đáng nhớ!
Bức ảnh trên chụp trong lần đi fieldtrip cùng TREAT, đi thăm một trang trại ở Hà Lan!
Sẽ còn nhiều kỷ niệm đi thực địa nữa....
No comments:
Post a Comment