Wednesday, January 30, 2008

THỰC ĐỊA DU KÝ (phần 2)



Tháng 6 năm 2000 về nước thì tháng 9 được tham gia một dự án với Ủy ban Dân tộc và Miền núi (Bây giờ đổi tên là UB Dân tộc, đóng ở Phan Đình Phùng). Hồi đó địa bàn của dự án là ở 2 xã Nà Mìu và Trà Ký của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, khá gần với địa danh Mẫu Sơn nổi tiếng của xứ Lạng. Lần đi thực địa này kéo dài 1 tuần và cũng phải ở nhà dân. Sẽ không có gì đặc biệt ở đợt đi thực địa này nếu không có cái nhà “vệ sinh” và “giấy vệ sinh” cũng rất đặc biệt ở đây. Ngay trước cửa nhà sàn, hơi thấp hơn ở phía dưới là một caí ao. Cạnh ao một cái toilet được quây bởi lá, trên có lợp mái để che mưa che nắng. Chỉ có điều lớp lá vây quanh đó chỉ đủ để che người nếu ngồi xuống còn nếu đứng thì sẽ lộ từ ngang hông trở lên. Bên trong lều toilet đó có một cái ống đựng một nắm que to bằng gấp 3 cái tăm, dài khoảng 50 cm. Cũng phải đến ngày thứ 3 mình mới biết đó chính là “giấy vệ sinh”. Theo như chị chủ nhà giải thích (cũng phải tế nhị lắm mới dám hỏi chị ấy “công dụng” và cách sử dụng của nắm que đó) thì mỗi lần đi vệ sinh chỉ cần bẻ một đoạn que dài khoảng 20-25 cm là đảm bảo “sạch như Ômô”. Tuy nhiên mình chưa dám thử xem dùng nó như thế nào. Lộc Bình, Lạng Sơn cũng rất nổi tiếng với món phở vịt quay ở phố huyện. Khi về cũng được bà con tặng một bình rượu Mẫu Sơn, đặc sản của vùng này được nấu từ ngô và nước từ khe đá trên đỉnh Mẫu Sơn. Uống rất say nhưng êm mà không bị đau đầu. Đấy là mình nghe nói thế!

Tháng 7 năm 2002, về nước đi lấy số liệu cho đề tài thạc sỹ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Mình và ông xã ở cùng với mấy anh em kiểm lâm của BQL. Các chú kiểm lâm chưa vợ, thường là rất lười nấu cơm và hay đùn đẩy nhau rửa bát rất phấn khởi khi có chị Hà hàng ngày nấu cho ăn. À mà trạm kiểm lâm này và khu vực xóm Đúp, xóm Lươn của xã Thượng Tiến chính là bối cảnh cho bộ phim “Khi đàn chim trở về”, được khán giả bình chọn là bộ phim truyền hình hay nhất năm 2006 đấy. Ở đó, lê la cùng với dân để tìm hiểu về vấn đề khá nhạy cảm là khai thác lâm sản bất hợp pháp từ khu rừng đặc dụng. Học cách nói chuyện với dân, tạo niềm tin từ họ để có thể biết được những thông tin không dễ gì có được.

Tháng 1 năm 2003 học xong, về nước thì tháng 3 lại có “vinh hạnh” được đi thực địa cùng bà Kaisa, một bà lão 60 tuổi, cực kỳ khó tính người Thái Lan và hai ông thầy người Thụy Điển của bà ấy ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Chẳng là bà ấy đang làm PhD về canh tác nương rẫy ở trường SLU, Thụy Điển (Khiếp, 60 tuổi còn làm PhD!!!). Chồng bà ấy là người Thụy Điển, cũng là GS của trường SLU, lại còn trẻ hơn bà ấy 10 tuổi. Đầu năm 2007 đi dạy TC ở Phú Thọ gặp lại ông bà ấy ở nhà khách của Trung tâm đào tạo PTNT Phù Ninh. Đó cũng là chuyến đi đáng nhớ. Thực ra những lần đi thực địa của mình chỉ là đi đến làng, bản thôi chứ không phải leo đồi leo núi gì. Nhưng lần này nhiệm vụ của mình là phải dẫn hai ông thầy Thụy Điển leo lên tận nương của người Dao để lấy mẫu đất. Nhớ lần phải leo lên đỉnh cao nhất của đám nương mình đã gần như ngất đi. Mệt không thể tưởng tượng được. Cái khổ thứ hai của chuyến đi này là phải làm phiên dịch cho cái bà “lắm mồm” chưa từng thấy như bà Kaisa. Bà ấy mà semi-structured interview thì phài mất 3, 4 tiếng. Hỏi không sót một cái gì. Làm con bé cứ sưng mồm lên mà dịch, cứ Việt sang Anh, Anh sang Việt. Đến bữa ăn mình cứ định trốn ngồi ăn với chị Bé (Vợ anh chủ tịch xã và cũng là chủ nhà) để ăn cho rảnh nhưng bà ấy không chịu. Bắt mình ngồi đối diện với bà ấy, giữa hai ông Thụy Điển, cùng ăn với anh chủ nhà. Vừa đưa được miếng cơm vào miệng, chưa kịp nhai thì lại bắt đầu nói, hỏi đủ thứ. Thế là phồng má trợn mắt cố nuốt cho trôi để dịch, hết ngược lại xuôi. Khổ thật!!! Thề không bao giờ làm phiên dịch nữa. Trong chuyến đi này, cũng có một bữa ăn trưa đáng nhớ với gia đình người H’’Mong ở một bản gần sát biên giới Trung Quốc. Ở đó nước rất hiếm và họ thường phải đi rất xa để lấy nước về dùng. Chính vì vậy bát đũa gần như “không cần rửa”. Mình nhớ bưã trưa hôm đó, cả đoàn mang theo bánh mỳ và mỳ tôm để ở lại ăn trưa cùng gia đình họ. Nồi mỳ tôm nấu lên bắc ra và được múc vào mấy cái bát con. Đói, rét nên mình cũng định bụng làm một bát mỳ tôm cho ấm bụng. Nhưng vừa cầm cái bát lên thì…….ôi ôi ….nếu tiếp tục ăn thì chắc là nôn ra mất. Đành phải gặm bánh mỳ vậy. Thế mà hai ông Thụy Điển vẫn chén xì xụp. Công nhận là khả năng thích ứng của họ tốt thật.

Sau đợt đi Lào Cai, mình “trốn biệt” mất hơn 2 năm, nghỉ sinh đứa con thứ 2. Tháng 5 năm 2005 bắt đầu tham gia đề tài đánh giá QĐ 178 với khoa QTKD. Đó là lần đi thực địa dài ngày nhất, đến nhiều nơi nhất suốt từ Bắc vào Nam. Đầu tiên là cả đoàn đông kéo nhau đi Thanh Hóa, sau đó chia nhỏ ra để đi Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Phú Thọ…Nhưng có lẽ chuyến đi đáng nhớ nhất là chuyến đi xuyên Việt từ ngày 13/9 đến 5/10 năm 2005. Hồi đó cả đoàn 6 người thuê một cái ôtô 24 chỗ ngồi, nghĩa là thoải mái chỗ đề nằm, ngồi, thậm chí phơi quần áo. Cứ ngày đi đêm nghỉ, dừng chân ở Quảng Bình, Bình Định để liên hệ trước địa điểm nghiên cứu sau đó một mạch vào đến Bình Phước. Từ đây, 2 sếp đi ôtô ra, để lại 4 chị em ở lại để làm thực địa từ Bình Phước trở ra. Mình là trưởng đoàn kiêm thủ quỹ, không những lo mọi việc từ liên hệ đến tổ chức thu thập số liệu mà còn lo ăn uống, ngủ nghỉ cho cả đoàn. Có một câu chuyện mà đến bây giờ mấy chị em ngồi nhớ lại vẫn thấy buồn cười. Chẳng là hôm đó mình làm facilitator cho một cái focus group discusion với một nhóm 10 nông dân. Địa điểm đặt tại Lâm trường Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Giấy A0 được treo lên bảng để ghi chép và giúp cho thảo luận dễ dàng hơn. Nào ngờ mình viết được nửa trang giấy thì mấy chị em mới phát hiện ra là tất cả 10 ông nông dân đó đều không biết chữ. Buồn cười mà không dám cười. Chỉ khổ thân em Quế, đến cái mục đề nghị các bác ấy ký tên vào tờ giấy thanh tóan nhận tiền mới gay go. Cả 10 ông là 10 cái dấu cộng ký nhận. Họ là người dân tộc Stieng, tên họ cũng rất khó nhớ và khó gọi. Nhiều ông nói tiếng Kinh rất khó nghe. Thành ra lại phải nhờ một cán bộ lâm trường làm “phiên dịch”. Vào Bình Phước mình được gặp lại 3 ông bạn cùng lớp và cùng khóa đại học là anh Tiến, Sơn và Thành sau 11 năm ra trường. Đất miền Đông Nam bộ phải nói là trù phú, bằng phẳng và cao su, điều đều rất được giá. Thế mà mấy ông bạn của mình ai cũng có mấy ha. Giàu ngất ngưởng!!!

Bốn chị em rời Bình Phước, bắt xe xuống TP HCM để đi tàu ra Bình Định, vào nghỉ ở KS Công đoàn ở phố Bùi Thị Xuân. Rủ nhau nhất định phải đến Dinh Độc Lập một lần cho biết. Mất 60.000 tiền taxi để đến dinh. Lúc về từ cổng sau của dinh, đi bộ qua mỗi cái công viên nhỏ nhỏ là về đến KS, vậy mà….không biết. Đúng là …ngố tàu mất oan 60.000 đồng! Đêm hôm đó lên tàu Thống nhất ra Bình Định. Sau khi liên hệ với sở, may quá đi nhờ được xe của anh Sơn, hạt trưởng hạt kiểm lâm lên huyện Vĩnh Thạnh. Đây là huyện giáp với tỉnh Gia Lai, hầu hết là người dân tộc Paco. Cả mấy chị em lại ở nhờ hạt kiểm lâm huyện. Hàng ngày hai chị em gái cũng phải lo đi chợ và nấu nướng cho cả mấy chị em và 5, 6 anh em trong trạm. Hôm nào cũng 2 mâm chật, ăn rào rào, vui đáo để. Ở Vĩnh Thạnh, mình được đến một bản người Paco ở gần đầu nguồn sông Kôn. Đây là bản người dân tộc thiểu số đầu tiên được tỉnh Bình Định giao thí điểm 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn rẩt xung yếu đến hộ. Đó cũng là một bản văn hóa của tỉnh. Đầu làng là một cái nhà Rông to, đẹp. Tất cả các nhà trong bản đều có đánh số nhà và cực kỳ sạch sẽ. Đến đó và đựợc nghe họ kể về cuộc sống, về những khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng. Ông già bản nói rừng ở đây còn rất nhiều cây to, nhưng vì địa hình quá khó khăn nên lâm tặc chịu thua. Nhưng đó cũng chính là lý do khiến họ muốn trả lại rừng cho nhà nước vì bản thân họ cũng không thể khai thác được gỗ dù QĐ 178 có cho phép họ khai thác.

Quảng Bình là điểm dừng cuối cùng của chuyến hành trình xuyên Việt này. Hai huyện được lựa chọn là Minh Hóa và Tuyên Hóa. Thực ra trước đây là một huyện gọi là huyện Tuyên Minh. Một huyện rất nghèo của tỉnh Quảng Bình có 2 nhóm dân tộc thiểu số suýt nữa thì bị diệt vong, đó là người Rục và người Sách. Đêm đầu tiên ở thị trấn Đồng Lê, huyện lỵ của Tuyên Hóa buồn kinh khủng. 7h tối mấy chị em đi kiếm quán cơm mà không có, một nhà bán cơm nhưng hết đồ ăn, nài nỉ họ phải để lại ít đồ ăn nấu cho gia đình họ để qua bữa. Ngủ thì rõ ràng là ở nhà khách của UBND huyện mà nhà vệ sinh không có điện, phòng thì chẳng có khóa. Khổ!!! Khoảng 7h tối từ Đồng Lê về Đồng Hới, cũng chẳng còn quán ăn nào, nhờ bà chủ KS đi mua hộ mấy hộp mỳ tôm. Bà chủ tâm lý và thương tình mua thêm cho mỗi chị em một cái xúc xích to bằng ngón tay cái. Thế là xong bữa tối. Không hiểu tại sao ở Quảng Bình mấy chị em lại toàn bị đói kiểu như vậy.

Tháng 7 năm 2005, xen giữa 2 đợt đi đề tài 178, mình “đánh quả lẻ” tham gia đề tài về Lâm nghiệp, sinh kế và giảm nghèo. Đây là một chương trình nghiên cứu do Thụy Điền, Thụy Sĩ và Hà Lan tài trợ. Mình đựợc phân công đi Quảng Trị cùng 7 người nữa, đoàn gồm 4 GV và 4 SV. Địa bàn là huyện Đakrông, với mấy xã nằm dọc bên đường HCM nhánh tây, hầu hết là người Vân Kiều, tất cả đều là họ Hồ (họ tự lấy theo họ Bác Hồ mà). Mình và một SV ở nhà anh trưởng thôn, gọi là Pảh Ước (Có nghĩa là “bố của Ước”, Ước là tên con trai đầu của anh chị ấy). Nhà có 4 đứa con, 1 gái, 3 trai, đứa nhỏ nhất mới chỉ hơn 2 tuổi nhưng chẳng bao giờ mặc quần, chỉ phong phanh độc một cái áo. Chị vợ và mấy đứa con thì không bao giờ được ngồi ăn cơm với chồng và khách. Chỉ khi nào khách và chồng ăn xong, còn thừa lại cái gì thì mấy mẹ con mới được mang mâm xuống góc bếp ngồi ăn. Lại nói chuyện ăn ở đây. Nhà nào cũng có một cái cối chuyên để giã ớt. Nấu cái gì cũng cho ớt vào, cay khủng khiếp. Đó cũng là cách họ phòng tránh bệnh sốt rét. Bữa nào mình cũng phải uống đến 5 cốc nước. Cứ một miếng cơm, một miếng nước. Ngủ cũng là một vấn đề. Vì sợ sốt rét nên mình cũng mắc màn, nằm ngay cạnh chị chủ nhà và đứa con nhỏ ở góc bếp. Mèo và gà thì cứ nhảy tanh tách bên cạnh hoặc bay vù vù trên đầu. Vừa rét vừa phải chịu cái mùi tổng hợp của chó, mèo, gà, vịt nên gần như không đêm nào ngủ ngon. Nhà vệ sinh và nhà tắm, một lần nữa lại là thứ vô cùng xa xỉ ở đây. May mà cạnh nhà anh chị ấy có một cô giáo người ở Quảng Bình lên dạy học, có nhà tắm, vì vậy mình cũng không đến nỗi phải “kỳ khan” trong 1 tuần ở đây vì có thể sang tắm nhờ được. Còn nhà vệ sinh thì vẫn phải “khó khăn khắc phục” mà giải pháp chính là “nhịn” chờ đến tối. 1 tuần ở đây đúng là dài như một thế kỷ. Rồi cũng đến ngày rút quân ra huyện. Trước khi chia tay mình lên xã mua cho bọn trẻ con mỗi đữa một bộ quần áo và chị chủ nhà một cái váy. Mấy mẹ con cảm động lắm, mà mình cũng thấy bịn rịn khi chia tay họ. Thực sự khi đó mình đã khóc và không dám nhìn thẳng vào mắt chị ấy. Có cái máy ảnh KTS mình chụp cho mấy mẹ con khá nhiều ảnh. Chị chủ nhà nói đây là lần đầu tiên được chụp ảnh. Thế là ra đến Đông Hà mình rửa ngay 10 cái ảnh của mấy mẹ con và gửi người quen đưa vào trong đó. Nhưng không biết những tấm ảnh đó có đến được với mấy mẹ con chị ấy không. Tiếc là mình không thể tìm lại được những tấm ảnh đó nữa. Về nhà, phải mất đến mấy tuần mình cứ thấy nhớ bọn trẻ con nhà chị ấy và những món ăn toàn ớt. Có lẽ hơn bất cứ nơi nào, mình thật sự muốn được quay lại nơi này. Khi quay trở ra, được sếp trưởng đoàn cho ngủ một tối ở thị trấn Khe Sanh lịch sử và một ngày đi chợ ở cửa khẩu Lao Bảo, giáp với biên giới Lào. Thoải mái mà mua sữa tắm, dầu gội đầu và nước xả vải của Thái Lan.

Chuyến đi thực điạ cuối cùng trước khi sang Hà Lan lần thứ 3 là đi Gia Lai làm đề tài về thị trường gỗ và lâm sản vào tháng 10 năm 2006. Thực ra mình nhận lời đi chuyến này là muốn được trở lại thăm trường cũ sau 9 năm xa cách. Thế là thị xã Pleiku đã thành thành phố Pleiku, xã Trà Bá địa điểm của trường mình thì đã thành phường Trà Bá. Pleiku sau 9 năm thật nhiều thay đổi. Các anh chị cùng trường năm xưa thì vẫn vậy, rất tình cảm. Được bố trí ở nhà khách nhưng mình và em Quế xuống nhà chị Quạt (hàng xóm năm xưa của nhà mình) ở cho vui. Thằng cu Sơn, con chị Quạt, nó đẻ hồi mình đang ở trong này bảo: “Cô Hà vô đây suốt ngày được đái”. Hóa ra ông cháu học cô giáo người Thanh Hóa nên không nói được từ có dấu ngã, thành ra “cô Hà vô đây suốt ngày được đãi” mà nó nói ra thành như vậy. Buồn cười gần chết!!! Hàng ngày, Tuấn cận dùng xe máy chở mình đi các huyện và xã. May mà ông bạn cùng lớp ĐH này là cán bộ khuyến nông nên thông thạo hết ngóc ngách các xã, lại còn quen biết hết các cán bộ xã nữa chứ. Gia Lai có lẽ cũng là “chuyến đi thực địa” dài nhất của đời mình, những 2 năm 7 tháng cơ đấy. Rồi còn rất rất nhiều chuyến đi nữa mà mình cũng không thể nhớ hết được. Chỉ biết rằng mỗi chuyến đi là một khóa học hữu ích và thu nhận nhiều điều thú vị của cuộc sống khắp nơi.

Ba bức ảnh trên chụp ở Trung tâm sinh thái nhân văn vùng cao ở Hương Sơn, Hà Tĩnh trong chuyến đi cùng Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, 6/2006.

No comments:

Post a Comment