Friday, June 27, 2008

Gặp ở Tam Giang

Vào Cà Mau đợt này kế hoạch “”nằm vùng” ở Tam Giang đã được lên sẵn từ trước. Đến TP Cà Mau, ở nhà anh Vượng, chị Nga vài ngày, trước khi xuống Tam Giang gọi điện cho Tiên, cô bạn mới quen nhưng chị em đã thấy rất quý nhau. Tiên nói “em cũng đang ở Cà Mau nè chế, mai em về Tam Giang”. Vậy là mừng như “chết đuối vớ được cọc”. Ít nhất có đồng hành cùng đi xuống ấp, vì lần trước mình mới đến ấp Kinh 17, nghĩa là ấp ở ngay gần UBND xã Tam Giang, còn lần này sẽ là ấp của Tiên, là nơi có khá nhiều hộ nuôi tôm sinh thái. Tiên là cán bộ phụ nữ ấp. Lần trước đến UBND mình gặp Tiên ở đó và hai chị em cùng đi một chuyến tàu cao tốc về Năm Căn. Tiên kém mình có 1 tuổi thôi nhưng chưa chịu lấy chồng và vẫn đang tích cực học bổ túc văn hóa để có tấm bằng tốt nghiệp cấp II. Hôm chia tay ở Năm Căn Tiên nói “lần sau chế xuống Tam Giang thì về nhà em ở nghen”. Thế là trưa hôm sau “bám càng” được cái ôtô của đoàn đại biểu nông dân Năm Căn đi dự hội nghị ở Cà Mau về Năm Căn, sau đó mấy chị em thuê ghe về Tam Giang.

Nhà Tiên ở ấp Bến Dựa, nằm ngay trên tuyến cao tốc Năm Căn – Cả Nẩy- Lâm ngư trường 184- Thanh Tùng. Đúng là một ngôi nhà xây đặc trưng của miền Tây nhưng là của “nhà giàu” (đó là nhà xây bằng gạch, trong này người ta gọi là “nhà tường”, khác với những ngôi nhà ốp bằng tôn xung quanh). Nhà Tiên rộng thênh thang, nhiều cửa thoáng mát và tất cả các gian đều được lát gạch hoa rất sạch sẽ. Đặc biệt có nhà tắm và nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn của “thế giới hiện đại”, tất nhiên với những thiết bị bình thường thôi, nhưng với mình ở đây như thế là tuyệt vời rồi. Nhà chỉ có ba, mẹ, Tiên và hai vợ chồng cô em gái cùng đứa con nhỏ. Hôm mình vừa đến, thấy có đến gần chục người cả người lớn và trẻ con chạy ra ghe đón, thấy choáng quá. Hóa ra nhà Tiên rất đông anh chị em, ba mẹ sinh được cả thảy 10 người con. Mấy bà chị gái lấy chồng làm vuông quanh đó cứ đến con nước xổ tôm là kéo nhau về nhà bố mẹ đẻ tụ tập vài ba ngày. Tháng nào cũng như tháng nào hai bận như vậy. Thế là được chứng kiến cái cảnh mấy bà con gái “cái bòn” về nhà mẹ đẻ ở đây. Cả ngày và tối hôm đó, con bé chỉ biết nhìn và cười thôi vì gần như không nghe được gì quanh mấy câu chuyện của các chị ấy. Khổ, ngay cả cái tên Bến Dựa mình cũng phải bắt Tiên viết ra giấy cho chính xác chứ mình thì không biết chắc chắn, có khi nó là Bánh Dừa mà cũng có thể là Bến Vựa.


Mình đến đây đúng đợt xổ tôm (thuật ngữ mà mình đã được nghe khá nhiều lần nhưng bây giờ mới được tận mắt chứng kiến). Tôm được xổ vào 2 đợt trong 1 tháng, theo con nước tự nhiên. Cứ vào các ngày trước và sau 1 và 15 âm lịch hàng tháng (nghĩa là thời gian tối nhất và sáng nhất trong tháng), mỗi đợt kéo dài khoảng 7 ngày (đợt 1 từ khoảng 28 đến 4 âm lịch và đợt 2 từ khoảng 13 đến 20 âm lịch) sẽ là thời gian xổ tôm nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái. Vào các ngày đó, nước cao hơn ngoài sông sẽ được đưa vào trong vuông tôm từ khoảng trưa đến 6h tối. Sau đó do thủy triều nước trong sông sẽ thấp hơn trong vuông và dòng chảy tự nhiên từ trong vuông ra sông khoảng 3 tiếng, đó là khi những con tôm vì một lý do tự nhiên nào đó sẽ theo con nước đi ra và bị mắc ở lưới phía cửa vuông. Cũng có những con to, con nhỏ, nhưng hầu hết là tôm sú rất to, loại 17-20-25 con/1kg. Ngoài ra cũng có cả ghẹ, cua, cá đối, cá nâu …. Lần đầu tiên mình được ăn tôm cá tươi vừa mới bắt từ vuông lên, ngon tuyệt. Sáng ăn cơm với cá chiên, tôm hấp. Chiều ăn cơm với cá nấu canh chua, tôm kho (Ở đây họ chỉ ăn 2 bữa thôi, một bữa lúc 8, 9h sáng và một bữa lúc 3, 4h chiều, mấy hôm đầu không quen cũng thấy đói đói). Tôm to cỡ như vậy nhưng ở đây cũng chỉ bán được với giá 130.000 đồng/kg cho tôm loại 1. Công nhận, quá rẻ!


Một tuần ở ấp Bến Dựa, xã Tam Giang cũng trôi đi, chia tay, hẹn gặp lại!


No comments:

Post a Comment