Wednesday, February 13, 2008

Mẹ


14 tháng 2 là sinh nhật mẹ. Mẹ tuổi Sửu, mà theo như các cụ thì tuổi này thường vất vả. Đúng là cuộc đời mẹ vất vả thật. Được 4 tuổi thì bà ngoại mất, ông ngoại thì đi hoạt động cách mạng, mẹ phải sống với dì ghẻ và anh trai từ nhỏ. Có những thời gian khi mới 7, 8 tuổi mẹ phải đi ăn xin mất mấy tháng. Cũng vì thế mẹ chỉ được học đến lớp 2. Năm mẹ 16 tuổi ông ngoại xin cho mẹ đi thanh niên xung phong. Vào TNXP mẹ mới được học bổ túc văn hóa đến hết cấp 2. Tuy ít học nhưng mẹ có nghề đánh máy chữ và nổi tiếng là người đánh máy giỏi khi về công tác ở trường.


Cũng chính vì ít được học và hiểu được thiệt thòi của người không được học hành nên ngay từ khi bọn mình còn bé câu nói cửa miệng của mẹ là “học đi”. Lúc nào cũng nhắc nhở con cái học hành và mong cho con học hành tiến tới. Nhớ năm 1998 khi lần đầu tiên mình đi thi IELTS mẹ chính là người đưa mình đi thi. Năm đó mình thi điểm thấp và trượt mất khóa học ngắn 3 tháng ở Hà Lan. Có lẽ mẹ là người buồn nhất nhưng cũng là người động viên mình nhiều nhất để cố gắng cho lần sau. Năm 2000 đi học 10 tháng về, mình đã định sẽ học cao học trong nước ở ĐHNN1 nhưng mẹ (vừa động viên, vừa kích bác) đã làm cho mình bỏ ý định đó. Mẹ bảo, “Con đã đi học ở nước ngoài về, tiếng Anh đã khá khá mà phải học trong nước là hèn hiiiiiiii. Rồi con mày mẹ đảm baỏ nuôi nấng chăm sóc đâu vào đấy, con cứ yên tâm mà đi”.

Nhớ hồi mới tốt nghiệp ĐH, khi mình nói muốn đi công tác ở tận Pleiku mẹ không phản đối nhưng chỉ bảo phải lấy chồng rồi cả hai vợ chồng cùng đi thì mẹ mới cho đi. Thành ra mình lấy chồng sớm là vì thế. Mình không thể quên được cái ngày chia tay mẹ để đi công tác. 5h sáng mấy bố con ra ôtô để ra tàu vào Nam, mẹ khóc ầm ĩ cả một đoạn đường vắng làm mình cũng khóc suốt từ Hà Tây ra HN, rồi từ HN vào đến Gia Lai. Vào tây nguyên, tháng đầu tiên ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà. Cứ nghe điện thoại của mẹ, vừa đưa máy lên đã thấy mẹ khóc ở đầu dây bên kia. Chỉ đến khi mình có bầu rồi có con Hà Anh thì nỗi nhớ nhà mới nguôi ngoai đi. Hồi đẻ Hà Anh cũng có nhiều chuyện hay. Mẹ vào với mình trước khi sinh Hà Anh khoảng một tuần (đấy là theo tính toán của BS). Nhưng mẹ vào đến 3 tuần rồi mà vẫn chưa sinh. Thế là sáng hôm đó mẹ sang Buon Ma Thuột thăm cô của mình. 9h sáng đưa mẹ ra bến xe thì 11h trưa đau bụng. 4h sáng thì sinh Hà Anh. Mẹ ở bên Đắc Lắc thì cứ hắt hơi, đoán là mình đã sinh nên mẹ về ngay. Vừa về đến cổng trường thấy các chị ấy bảo cô Hà sinh rồi, thế là mẹ cứ thế khóc từ cổng trường về nhà. Ra đến bệnh viện thấy cháu cũng khóc ầm ầm. Khổ thế cơ chứ.

Được ở gần mẹ thật không gì bằng. Có một câu chuyện vui. Hôm đó trên giảng đường, ở phòng đợi của GV. Ông Thuần (bố của Thúy, bạn mình) bảo mình: “Cái Thúy dạo này khổ lắm vì nhà nó không có Ô sin nữa”. “Ô hay, thế nhà cháu lấy đâu ra Ô sin”. “Nhà mày có hẳn 2 Ô sin ở ngay bên cạnh đấy còn gì”. Cả phòng đợi được trận cười. Nói thế chứ đúng là ở gần bố mẹ sướng thật đấy. Đi đâu cũng yên tâm về con cái và nhà cửa. Mẹ cũng rất chiều mấy chị em, kể cả con rể chuyện ăn uống. Có hôm buổi tối mình buột miệng, dạo này tự nhiên con thèm lòng lợn quá, thế là sáng hôm sau 6h mẹ đã đạp xe ra chợ, mua lòng về, 10h sang đã thấy mẹ dồi lòng xong rồi. Bữa trưa được ăn lòng lợn, ngon tuyệt.

Ngày còn con gái mình gầy thậm tệ. Chỉ có 35 kg, đấy là cân nặng lúc đi lấy chồng. Hồi đó cứ nghe ai mách là ăn cái gì cho béo là mẹ lại hì hục làm cho mình. Không biết là mình đã uống đến bao nhiêu chén thuốc Bắc, ăn bao nhiêu quả trứng vịt lộn, rồi cao khỉ, mật ong, rồi biết bao nhiêu cây mía. Hihihihihi, thế mà chẳng có tác dụng gì cả, vẫn gày trơ xương. Chỉ đến khi chửa, đẻ thì tình hình mới cải thiện được. Đẻ mỗi đứa con tăng 10 đến 12 kg. Mẹ là người phấn khởi nhất khi thấy mình béo khỏe. Bức ảnh trên mình chụp cùng mẹ sau khi mình sinh thằng Mốc được 4 tháng. Ai mà khen là cái Hà dạo này béo thế là mẹ vui lắm. Chẳng gì thì ai cũng bảo mình là giống mẹ nhất. Cô Ất trông xe của trường mình bảo: Hà càng già càng giống mẹ hihihihihi.

Thế là mẹ đã sắp tròn 60 tuổi rồi. Cầu chúc cho mẹ mãi mãi khỏe mạnh.

No comments:

Post a Comment