Friday, February 22, 2008

Nghề giáo

Thực ra thì ước mơ trở thành cô giáo của mình đã được "hun đúc" từ khi học cấp 3. Còn hồi nhỏ thì mình lại thích làm công an cơ. Mình nhớ hồi học lớp 7 được về quê Hải Dương, ở bến xe mình nhìn thấy mấy cô cảnh sát mặc đồng phục rất đẹp thế là tự nhiên muốn được như các cô ấy. Thậm chí hồi đó mình còn có một bài văn rất hay viết về ước muốn được trở thành công an cơ. Nhưng lên cấp 3 thì tự nhiên chỉ thích trở thành cô giáo, mà lại là cô giáo dạy sinh vật. Chẳng là sinh vật là môn học mình thích. Trong 3 môn thi khối B thì mình thích nhất môn này, học cũng khá nhất, giải bài tập sinh "hơi bị siêu" đấy, nhưng lại cũng rất lười học lý thuyết môn này. Thành ra đi thi đại học chỉ chăm chắm ăn điểm bài tập thôi. Tuy nhiên ước mơ trở thành cô giáo dạy sinh vật cấp 3 không trở thành hiện thực vì "trượt vỏ chuối" vào ĐHSP Hà Nội. Tuy nhiên Đại học Lâm nghiệp thì đỗ. Thôi thì nối nghiệp bố vậy.

Tốt nghiệp ĐH, mình vẫn quyết định theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo khi quyết tâm vào tận Pleiku dạy trung cấp lâm nghiệp. Chẳng hiểu sao mà cái câu thơ thời sinh viên hay ngâm nga "Anh đi công tác Plei. Ku daì dằng dặc biết ngày nào ra" lại vận vào mình như vậy. Sau 6 tháng tập sự giảng dạy mình bắt đầu lên lớp với cái bụng bầu cũng 6 tháng. Mình nhớ lớp đầu tiên mình lên là lớp 15B1. Đây là lớp trung cấp kiểm lâm, tất cả đều đã đi làm nhưng lại học theo kiểu tập trung. Vì là kiểm lâm nên lớp học này không có nữ. Mấy chục ông mà ông trẻ nhất cũng nhiều hơn mình 2 tuổi. Công nhận là mình cũng cứng vía thật. Thực ra buổi đầu tiên lên lớp cũng khá run, nhưng ngay lập tức phải tự trấn tĩnh để đảm bảo không để sinh viên biết là mình run. Vì là trung cấp nên cách quản lý quân số và giảng dạy giống như đối với cấp 3. Cũng có cái mục kiểm tra bài cũ vào đầu giờ. Hồi học cấp 3 mình gọi cái đó là "kiểm tra miệng". Mình cũng phải thực hiện việc này đối với các anh kiểm lâm vào đầu các giờ học. Hôm nào cũng gọi vài anh lên trước lớp đề nghị nhắc lại bài cũ. Nhưng anh nào cũng vò đầu bứt tai với đủ các loại lý do. Một hôm thầy Đính là trưởng phòng đào tạo kể ở trên phòng đợi giáo viên: "Sinh viên lớp 15B1 kêu là sáng nào cũng đánh răng nhưng cô Hà ngày nào cũng bắt kiểm tra miệng".

Gần 3 năm trong Tây nguyên mình đã dạy được các khóa 15, 16, 17 và 18. Các anh kiểm lâm, nhìn thì rất "bặm trợn" nhưng cũng rất tình cảm. Nhớ hồi đó hai vợ chồng mới từ ngoài Bắc vào, phải mượn tất cả các thứ của nhà trường. Từ bàn, ghế, tủ đến cái giường. Mọi người cứ trêu là cả trường có mỗi một cái giường 1.30 mét ưu tiên cho vơ chồng Hà Thanh đấy. Mấy anh kiểm lâm Đắc Lắc thấy thương tình quá nên gom tiền đóng tặng thầy cô một cái giường đôi bằng gỗ K''te và gỗ cẩm lai. Chuyện đó không quá khó đối với kiểm lâm tại vựa gỗ như Tây nguyên. Món quà đó cũng chính là đồ vật duy nhất mà vợ chồng mình mang ra ngoài Bắc khi chuyển công tác và vẫn dùng nó cho đến tận bây giờ. Mình cũng coi nó như một món quà lớn mà nghề giáo mang lại.

Nghề giáo cũng có cái hay khi mà mình được tiếp xúc với nhiều sinh viên, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh. Lớp 15B1 mình dạy đó có 2 anh kiểm lâm phòng cháy chữa cháy mà mình không bao giờ quên được. Hầu hết kiểm lâm, nhất là kiểm lâm Tây nguyên hồi đó đều rất khá. Ai cũng có xe máy đi làm đi học (tại thời điểm năm 1994, 1995 thì xe máy vẫn là phương tiện đắt tiền, nó có lẽ cũng như có ôtô bây giờ vậy). Thế mà hai anh phòng cháy chữa cháy thì cứ lọc cọc hai cái xe đạp, đằng sau xe đạp là bộ đồ thợ mộc tranh thủ đi làm thuê cho mấy xưởng cưa gần trường vào buổi chiều khi không phải đi học. Mùa mưa các anh kiểm lâm đi học rất đầy đủ nhưng mùa khô thì dù có bị phạt rất nặng thì các anh ấy vẫn cứ vắng mặt vì đó là "mùa làm ăn" của kiểm lâm mà. Mấy anh kiểm lâm người dân tộc thiểu số thì tháng nào cũng nói khó với cô xin phép về nhà lấy củi cho vợ để chuẩn bị cho mùa mưa sắp đến. Nhớ hồi đó có anh Trọng, kiểm lâm Bình Định, gia đình đông con, vợ thì không có việc làm. Mặt lúc nào cũng nhăn như bị, không tháng nào là không xin nghỉ học về lo cho vợ con.

Lớp tại chức trung cấp kiểm lâm ở Phú Yên. Mình dạy 2 khóa ở đây, trong đó khóa 1 toàn là các sếp. Cán bộ kiểm lâm Tây nguyên và miền Trung hầu hết đều chuyển ngành từ công an hoặc bộ đội, chưa có nghiệp vụ chuyên môn vì vậy tất cả đều phải đi học. Lớp khóa 1 Phú Yên năm đó toàn là hạt trưởng, hạt phó rồi trưởng phó phòng nghiệp vụ của chi cục kiểm lâm các tỉnh và hạt kiểm lâm huyện. Mình cứ buồn cười khi nghe anh Bảy Sinh (hồi đó là hạt trưởng hạt kiểm lâm Tuy Hòa và cũng là lớp trưởng) nói với mình "vậy là cô bằng tuổi con gái lớn của tôi". Hồi đó mình phải dạy cả môn Pháp luật đại cương cho lớp tại chức này. Cũng là một câu chuyện thú vị. Sau khi chuẩn bị và dạy được một khóa môn Lâm nghiệp xã hội, thầy Danh (hiệu phó chuyên môn) bắt mình phải chuẩn bị môn PLĐC như là môn học thứ hai. Mình dãy nảy lên "thầy bắt em dạy môn nào của lâm nghiệp cũng được, chứ em có học ĐH luật ra đâu mà thầy bắt em dạy môn đó". " Thế cô có học môn này hồi ở ĐH không?". "Em có được học". " Thế thì cô phải dạy". Bó tay.com với thầy Danh thật. Cuối cùng thì mình cũng phải chuẩn bị 90 tiết cho môn học này. Mà đây lại là môn thi tốt nghiệp cho ngành kiểm lâm. Dạy môn này được 2 khóa thì mình chuyển công tác. Mà dạy cũng tạm tạm, tất nhiên với một giáo viên trẻ, còn ít kinh nghiệm, ít bản lĩnh thì bài giảng chưa thể sâu. Thì các cụ cấm có sai bao giờ, "thầy già con hát trẻ" mà lại. Mình cũng được đưa vào danh sách xét giáo viên dạy giỏi vì số điểm đánh giá dự giờ của hội đồng khá cao, nhưng thầy Danh loại mình ngay lập tức với lý do "Cô Hà sinh con trong thời gian tập sự nên không được là GV dạy giỏi" Heheheh, đúng là thầy Danh, nguyên tắc cứng nhắc khủng khiếp.

Phải dạy người nhiều tuổi hơn cũng chưa phải là vấn đề. Mình thậm chí đã gặp phải sinh viên chính là anh bạn cùng khóa đại học cơ. Đúng là hơi éo le thật. Năm 2005 mình vào Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa dạy lớp Đại học tại chức lâm nghiệp khóa 3. Vào lớp thấy một anh sinh viên mặt cứ quen quen như là đã gặp ở đâu đó rồi, nhưng tất nhiên là không thể nhớ ra được. Giờ giải lao anh lớp trưởng mới nói chuyện là lớp mình có anh Phương hồi trước học cùng khóa 34 với cô đấy. Thảo nào. Mình thấy quen mà không nhớ cũng phải vì Phương học cùng khóa mình nhưng là bên Chế biến gỗ. Ra trường Phương về công tác ở Vườn Quốc gia Bến En. Tất nhiên là chuyên môn không phù hợp lắm. Vì vậy Phương quyết định học thêm bằng Lâm nghiệp để tiếp tục học lên cao học. Hắn nhận ra mình, nhưng cũng ngại nên không bắt chuyện trước. Cuối buổi học mình bảo: " Mời các anh các chị nghỉ, riêng anh Phương ở lại gặp tôi" . Tối hôm đó là bữa nhậu tưng bừng với quân 34 Thanh Hóa.

Chuyện về nghề giáo còn dài dài...

No comments:

Post a Comment