Friday, February 22, 2008

Nghề giáo

Thực ra thì ước mơ trở thành cô giáo của mình đã được "hun đúc" từ khi học cấp 3. Còn hồi nhỏ thì mình lại thích làm công an cơ. Mình nhớ hồi học lớp 7 được về quê Hải Dương, ở bến xe mình nhìn thấy mấy cô cảnh sát mặc đồng phục rất đẹp thế là tự nhiên muốn được như các cô ấy. Thậm chí hồi đó mình còn có một bài văn rất hay viết về ước muốn được trở thành công an cơ. Nhưng lên cấp 3 thì tự nhiên chỉ thích trở thành cô giáo, mà lại là cô giáo dạy sinh vật. Chẳng là sinh vật là môn học mình thích. Trong 3 môn thi khối B thì mình thích nhất môn này, học cũng khá nhất, giải bài tập sinh "hơi bị siêu" đấy, nhưng lại cũng rất lười học lý thuyết môn này. Thành ra đi thi đại học chỉ chăm chắm ăn điểm bài tập thôi. Tuy nhiên ước mơ trở thành cô giáo dạy sinh vật cấp 3 không trở thành hiện thực vì "trượt vỏ chuối" vào ĐHSP Hà Nội. Tuy nhiên Đại học Lâm nghiệp thì đỗ. Thôi thì nối nghiệp bố vậy.

Tốt nghiệp ĐH, mình vẫn quyết định theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo khi quyết tâm vào tận Pleiku dạy trung cấp lâm nghiệp. Chẳng hiểu sao mà cái câu thơ thời sinh viên hay ngâm nga "Anh đi công tác Plei. Ku daì dằng dặc biết ngày nào ra" lại vận vào mình như vậy. Sau 6 tháng tập sự giảng dạy mình bắt đầu lên lớp với cái bụng bầu cũng 6 tháng. Mình nhớ lớp đầu tiên mình lên là lớp 15B1. Đây là lớp trung cấp kiểm lâm, tất cả đều đã đi làm nhưng lại học theo kiểu tập trung. Vì là kiểm lâm nên lớp học này không có nữ. Mấy chục ông mà ông trẻ nhất cũng nhiều hơn mình 2 tuổi. Công nhận là mình cũng cứng vía thật. Thực ra buổi đầu tiên lên lớp cũng khá run, nhưng ngay lập tức phải tự trấn tĩnh để đảm bảo không để sinh viên biết là mình run. Vì là trung cấp nên cách quản lý quân số và giảng dạy giống như đối với cấp 3. Cũng có cái mục kiểm tra bài cũ vào đầu giờ. Hồi học cấp 3 mình gọi cái đó là "kiểm tra miệng". Mình cũng phải thực hiện việc này đối với các anh kiểm lâm vào đầu các giờ học. Hôm nào cũng gọi vài anh lên trước lớp đề nghị nhắc lại bài cũ. Nhưng anh nào cũng vò đầu bứt tai với đủ các loại lý do. Một hôm thầy Đính là trưởng phòng đào tạo kể ở trên phòng đợi giáo viên: "Sinh viên lớp 15B1 kêu là sáng nào cũng đánh răng nhưng cô Hà ngày nào cũng bắt kiểm tra miệng".

Gần 3 năm trong Tây nguyên mình đã dạy được các khóa 15, 16, 17 và 18. Các anh kiểm lâm, nhìn thì rất "bặm trợn" nhưng cũng rất tình cảm. Nhớ hồi đó hai vợ chồng mới từ ngoài Bắc vào, phải mượn tất cả các thứ của nhà trường. Từ bàn, ghế, tủ đến cái giường. Mọi người cứ trêu là cả trường có mỗi một cái giường 1.30 mét ưu tiên cho vơ chồng Hà Thanh đấy. Mấy anh kiểm lâm Đắc Lắc thấy thương tình quá nên gom tiền đóng tặng thầy cô một cái giường đôi bằng gỗ K''te và gỗ cẩm lai. Chuyện đó không quá khó đối với kiểm lâm tại vựa gỗ như Tây nguyên. Món quà đó cũng chính là đồ vật duy nhất mà vợ chồng mình mang ra ngoài Bắc khi chuyển công tác và vẫn dùng nó cho đến tận bây giờ. Mình cũng coi nó như một món quà lớn mà nghề giáo mang lại.

Nghề giáo cũng có cái hay khi mà mình được tiếp xúc với nhiều sinh viên, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh. Lớp 15B1 mình dạy đó có 2 anh kiểm lâm phòng cháy chữa cháy mà mình không bao giờ quên được. Hầu hết kiểm lâm, nhất là kiểm lâm Tây nguyên hồi đó đều rất khá. Ai cũng có xe máy đi làm đi học (tại thời điểm năm 1994, 1995 thì xe máy vẫn là phương tiện đắt tiền, nó có lẽ cũng như có ôtô bây giờ vậy). Thế mà hai anh phòng cháy chữa cháy thì cứ lọc cọc hai cái xe đạp, đằng sau xe đạp là bộ đồ thợ mộc tranh thủ đi làm thuê cho mấy xưởng cưa gần trường vào buổi chiều khi không phải đi học. Mùa mưa các anh kiểm lâm đi học rất đầy đủ nhưng mùa khô thì dù có bị phạt rất nặng thì các anh ấy vẫn cứ vắng mặt vì đó là "mùa làm ăn" của kiểm lâm mà. Mấy anh kiểm lâm người dân tộc thiểu số thì tháng nào cũng nói khó với cô xin phép về nhà lấy củi cho vợ để chuẩn bị cho mùa mưa sắp đến. Nhớ hồi đó có anh Trọng, kiểm lâm Bình Định, gia đình đông con, vợ thì không có việc làm. Mặt lúc nào cũng nhăn như bị, không tháng nào là không xin nghỉ học về lo cho vợ con.

Lớp tại chức trung cấp kiểm lâm ở Phú Yên. Mình dạy 2 khóa ở đây, trong đó khóa 1 toàn là các sếp. Cán bộ kiểm lâm Tây nguyên và miền Trung hầu hết đều chuyển ngành từ công an hoặc bộ đội, chưa có nghiệp vụ chuyên môn vì vậy tất cả đều phải đi học. Lớp khóa 1 Phú Yên năm đó toàn là hạt trưởng, hạt phó rồi trưởng phó phòng nghiệp vụ của chi cục kiểm lâm các tỉnh và hạt kiểm lâm huyện. Mình cứ buồn cười khi nghe anh Bảy Sinh (hồi đó là hạt trưởng hạt kiểm lâm Tuy Hòa và cũng là lớp trưởng) nói với mình "vậy là cô bằng tuổi con gái lớn của tôi". Hồi đó mình phải dạy cả môn Pháp luật đại cương cho lớp tại chức này. Cũng là một câu chuyện thú vị. Sau khi chuẩn bị và dạy được một khóa môn Lâm nghiệp xã hội, thầy Danh (hiệu phó chuyên môn) bắt mình phải chuẩn bị môn PLĐC như là môn học thứ hai. Mình dãy nảy lên "thầy bắt em dạy môn nào của lâm nghiệp cũng được, chứ em có học ĐH luật ra đâu mà thầy bắt em dạy môn đó". " Thế cô có học môn này hồi ở ĐH không?". "Em có được học". " Thế thì cô phải dạy". Bó tay.com với thầy Danh thật. Cuối cùng thì mình cũng phải chuẩn bị 90 tiết cho môn học này. Mà đây lại là môn thi tốt nghiệp cho ngành kiểm lâm. Dạy môn này được 2 khóa thì mình chuyển công tác. Mà dạy cũng tạm tạm, tất nhiên với một giáo viên trẻ, còn ít kinh nghiệm, ít bản lĩnh thì bài giảng chưa thể sâu. Thì các cụ cấm có sai bao giờ, "thầy già con hát trẻ" mà lại. Mình cũng được đưa vào danh sách xét giáo viên dạy giỏi vì số điểm đánh giá dự giờ của hội đồng khá cao, nhưng thầy Danh loại mình ngay lập tức với lý do "Cô Hà sinh con trong thời gian tập sự nên không được là GV dạy giỏi" Heheheh, đúng là thầy Danh, nguyên tắc cứng nhắc khủng khiếp.

Phải dạy người nhiều tuổi hơn cũng chưa phải là vấn đề. Mình thậm chí đã gặp phải sinh viên chính là anh bạn cùng khóa đại học cơ. Đúng là hơi éo le thật. Năm 2005 mình vào Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa dạy lớp Đại học tại chức lâm nghiệp khóa 3. Vào lớp thấy một anh sinh viên mặt cứ quen quen như là đã gặp ở đâu đó rồi, nhưng tất nhiên là không thể nhớ ra được. Giờ giải lao anh lớp trưởng mới nói chuyện là lớp mình có anh Phương hồi trước học cùng khóa 34 với cô đấy. Thảo nào. Mình thấy quen mà không nhớ cũng phải vì Phương học cùng khóa mình nhưng là bên Chế biến gỗ. Ra trường Phương về công tác ở Vườn Quốc gia Bến En. Tất nhiên là chuyên môn không phù hợp lắm. Vì vậy Phương quyết định học thêm bằng Lâm nghiệp để tiếp tục học lên cao học. Hắn nhận ra mình, nhưng cũng ngại nên không bắt chuyện trước. Cuối buổi học mình bảo: " Mời các anh các chị nghỉ, riêng anh Phương ở lại gặp tôi" . Tối hôm đó là bữa nhậu tưng bừng với quân 34 Thanh Hóa.

Chuyện về nghề giáo còn dài dài...

Thursday, February 21, 2008

Xuất hành đầu năm

Kế hoạch đi Cà Mau của mình được đưa ra từ trong năm. Bộ môn mình có một quyển lịch có thể xem được các ngày tốt xấu cho xuất hành, cưới hỏi, động thổ...Ngày 18 tháng giêng âm lịch được đánh dấu hình một cái máy bay màu xanh nghĩa là ngày xuất hành tốt. Thế là mình quyết định sẽ đi miền Nam mở đầu cho đợt lấy số liệu vào ngày đó. Tuy nhiên do daily supervisor sang sớm hơn vài ngày nên mình phải vô sớm. Cũng chẳng còn ngày nào nữa ngoài ngày 15 âm lịch vì hôm sau phải gặp thầy ở Cần Thơ rồi. Sáng hôm kia, một ngày trước khi xuất phát mình vào bộ môn. Động tác đầu tiên là liếc mắt vào quyển lịch. May thay ngày 15 cũng là ngày xuất hành tốt. Sáng hôm đó là ngày đầu tiên miền Bắc có ánh mặt trời sau 40 ngày thâm xì thâm xịt của đợt rét dài kỷ lục trong suốt mấy chục năm trở lại đây.

Chẳng biết có tốt không và tốt tới mức nào nhưng chuyến đi xuất hành đầu năm này cũng khá "gian truân". Ở sân bay Nội Bài con bé cứ lạc quanh lạc quẩn không biết đi nội địa thì làm thủ tục ở sảnh nào. Mà cũng lạ, cái sân bay quốc tế Nội Bài thì bé tẹo teo, mình cũng đi khá nhiều rồi vậy mà lần nào đi cũng bị lớ ngớ kiểu như vậy. Cuối cùng cũng biết là phải đến sảnh B để làm thủ tục. Mình chỉ nhớ nhất là cái chỗ mà hành khách không muốn gửi hành lý đến để check in. Cái tội của mình là thôi thì chịu khó lếch thếch xách đồ theo lên chỗ ngồi còn hơn là phải chịu cái cảnh đợi để lấy hành lý gửi. Mà dại mồm, nhỡ nó lại thất lạc loanh quanh đi đâu mất vài ngày mà chẳng vỡ mặt ấy à. Nhưng cái cô làm thủ tục cho mình bảo nếu có nhiều sữa tắm, dầu gội đầu...thì sẽ không được xách tay. Chẳng là Hàng không Việt nam cũng bắt đầu tuân theo quy định quốc tế đối với chất lỏng khi mang lên máy bay vì nghe đâu có bom chế tạo dưới dạng chất lỏng. Cực chảng đã mình phải mang đến quầy hành lý gửi để làm thủ tục. Vừa để cái vali lên đã bị cô nhân viên "quạt" cho một trận. "Vali của chị to thế này, mà nặng đến 15 kg làm sao mà xách tay được. Chị không đọc quy định về hành lý xách tay à? Lần sau chị gửi hành lý cho em nhé". Khổ, ai chẳng biết quy định, nhưng mà suy cho cùng thì quy định sinh ra là để bị vi phạm mà lại.

Bừa trưa trên máy bay. Thường thì bao giờ cũng có 2 món ăn chính ví dụ như "chị dùng mỳ xào với thịt bò hay cơm với cá thu" đại loại vậy. Nhưng dạo này Vietnam Airlines chắc cũng đang phải đương đầu với tình trạng tăng giá "toàn diện" nên cũng đơn giản bữa ăn đi thành ra "mời chị dùng cơm". Nghèo nàn...một ít cơm với 3 lát bí đỏ xào và một ít thịt kho. Cũng chẳng có hoa quả tráng miệng gì cả. Thôi thì bay có gần 2 tiếng, kể mà không cho ăn gì cũng được. Đến Tân Sơn Nhất, biết ngay mà, mất gần 30 phút đợi để lấy hành lý. Ra bên ngoài sân bay thì người như muốn tắc thở vì cái nóng hầm hập của Sài Gòn, cộng với lỉnh kỉnh áo khoác, mũ mão vì ngoài Bắc đang rét. Một anh cò taxi chạy lại: "Bến xe miền Tây đi theo cuốc thì 220 ngàn, còn theo đồng hồ thì 10 ngàn đồng/cây số". "Ông nói thế nào thế? Tháng 12 tôi đi hết có 120 ngàn". "Thì xăng dầu lên, mà từ đây ra đấy hơn 20km". Suýt nữa thì mình cũng bị thuyết phục nhưng lại thấy tiếc tiếc tiền. Thôi thì tìm cái taxi khác xem sao. Nhảy lên xe ngồi, mắt không rời cái đồng hồ đo cây số và tiền. Uh, kiểu này không 220 thì cũng phải 210 ngàn đồng. Những hơn 20 km cơ mà. Vậy mà cuối cùng đi hết có 94 ngàn (hóa ra khoảng cách cũng chỉ có hơn 10 km), cộng thêm ít tiền vé sân bay và tiền boa cho tài xế, tất cả có 110 ngàn. Nói như người miền Nam thì "xém chút nữa thì bị gạt mất hơn 100 ngàn" hihihihi.

Xuống đến BX Miền Tây, rò ràng là mình muốn đi xe của Mai Linh mà trời xui đất khiến thế nào lại bị mua đúng vé của Hoàng Vân. Mà đúng là trò lừa đảo ngoạn mục, chẳng phải mỗi mình mà cuối cùng mới biết cả xe đều bị gạt. Ngồi đợi chán bên ngoài dưới trời nắng, hành khách được đưa lên xe ngồi. Hơn 1 tiếng mà xe vẫn chưa chạy, trong khi được hứa hươu hứa vượn là 15 phút nữa xe chạy. Ngồi trên xe, vừa sốt ruột, vừa bực. Chú phụ xe xăng xái bảo mình: "chị đưa cái túi xách đây em để ra phía sau". Mình trợn mắt lên: "Bao giờ thì chạy, tôi xuống đi xe khác đây, các ông là đồ lừa đảo". Mấy người khách đang thiu thiu ngủ trong xe nhổm lên dòm mặt mình. Chắc trong bụng cũng nghĩ thầm "con mụ Bắc kỳ này ghê gớm thật". Mà mình thì hiền vào loại nhất Bắc kỳ. Nhưng quả thật là khoảng 5 phút nữa mà xe không chạy là mình xuống để đi xe Mai Linh đấy, vứt đi 60 ngàn cái vé vừa mua, "nhất là bét". Nhưng mà phải công nhận là người miền Nam dễ tính thật. Trên xe mọi người mặc dù sốt ruột nhưng vẫn cứ "make joke". Một anh thanh niên trẻ đùa: "Chú tài ơi chú tài, mắt con bị quáng gà, mà về tối thế này thì làm sao con biết đường về quê". Một chị "sồn sồn" thì tếu táo: "Tui cứ theo anh tài về tận Sóc Trăng, chẳng có ai là bà con ở đó tui cứ bám áo anh tài, anh đi dâu tui đi đấy". "Nhưng về đến Cần Thơ là tui lột áo rồi". "Vậy thì tui bám quần anh, nào có dám lột quần không?"...Cứ đối đáp qua lại như vậy còn mọi người trong xe thì cười nói ào ào để hưởng ứng. Cuối cùng thì xe cũng chạy, từ TPHCM, qua Long An, đến Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận là đến Vĩnh Long, qua phà Cần Thơ là đến TP Cần Thơ rồi. May mà cũng không phải đợi phà lâu. Đến cổng trào đầu thành phố, ôi chao chỉ thấy người là người. Hóa ra hôm nay là ngày khai mạc Festival du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ năm 2008.

Một ngày thực sự mệt của chuyến xuất hành đầu năm. Lúc đợi lên máy bay ở gần quầy bán sách báo mình có đọc lướt một quyển (tử vi về các tuổi qua các năm) xem năm Tý với người tuổi Tý thì sẽ ra sao. Có một câu làm mình "sướng âm ỉ" là năm tý là năm cực kỳ hanh thông đối với người tuổi Tý, mặc dù thành công thật sự của người tuổi Tý lại là vào năm Sửu. Hehehehehe sướng!!! mà quên đi nối mệt nhọc của chuyến hành trình từ bắc vào nam. Hy vọng những điều tốt đẹp của năm Mậu Tý này.

Tuesday, February 19, 2008

Ngộ nghĩnh Mốc

Không có gì!

Đây là mẩu đối thoại diễn ra hàng ngày, vào lúc 10.30 đêm:

- Chúc mẹ ngủ ngon!

- Chúc Mốc ngủ ngon!

- Cảm ơn mẹ!

- Không có gì!

- Thế mẹ đã cảm ơn con chưa?

- Cảm ơn Mốc!

- Không có gì!

(Thế mà còn bắt người ta cảm ơn)

Khổ thân con gái bà

Mẹ bị ốm, Mốc chạy sang gọi bà: “Con gái bà bị ốm đấy, bà có sang thăm một tý thì sang. Khổ thân con gái bà. Mai phải cho đi bệnh viện thôi”

Wednesday, February 13, 2008

Mẹ


14 tháng 2 là sinh nhật mẹ. Mẹ tuổi Sửu, mà theo như các cụ thì tuổi này thường vất vả. Đúng là cuộc đời mẹ vất vả thật. Được 4 tuổi thì bà ngoại mất, ông ngoại thì đi hoạt động cách mạng, mẹ phải sống với dì ghẻ và anh trai từ nhỏ. Có những thời gian khi mới 7, 8 tuổi mẹ phải đi ăn xin mất mấy tháng. Cũng vì thế mẹ chỉ được học đến lớp 2. Năm mẹ 16 tuổi ông ngoại xin cho mẹ đi thanh niên xung phong. Vào TNXP mẹ mới được học bổ túc văn hóa đến hết cấp 2. Tuy ít học nhưng mẹ có nghề đánh máy chữ và nổi tiếng là người đánh máy giỏi khi về công tác ở trường.


Cũng chính vì ít được học và hiểu được thiệt thòi của người không được học hành nên ngay từ khi bọn mình còn bé câu nói cửa miệng của mẹ là “học đi”. Lúc nào cũng nhắc nhở con cái học hành và mong cho con học hành tiến tới. Nhớ năm 1998 khi lần đầu tiên mình đi thi IELTS mẹ chính là người đưa mình đi thi. Năm đó mình thi điểm thấp và trượt mất khóa học ngắn 3 tháng ở Hà Lan. Có lẽ mẹ là người buồn nhất nhưng cũng là người động viên mình nhiều nhất để cố gắng cho lần sau. Năm 2000 đi học 10 tháng về, mình đã định sẽ học cao học trong nước ở ĐHNN1 nhưng mẹ (vừa động viên, vừa kích bác) đã làm cho mình bỏ ý định đó. Mẹ bảo, “Con đã đi học ở nước ngoài về, tiếng Anh đã khá khá mà phải học trong nước là hèn hiiiiiiii. Rồi con mày mẹ đảm baỏ nuôi nấng chăm sóc đâu vào đấy, con cứ yên tâm mà đi”.

Nhớ hồi mới tốt nghiệp ĐH, khi mình nói muốn đi công tác ở tận Pleiku mẹ không phản đối nhưng chỉ bảo phải lấy chồng rồi cả hai vợ chồng cùng đi thì mẹ mới cho đi. Thành ra mình lấy chồng sớm là vì thế. Mình không thể quên được cái ngày chia tay mẹ để đi công tác. 5h sáng mấy bố con ra ôtô để ra tàu vào Nam, mẹ khóc ầm ĩ cả một đoạn đường vắng làm mình cũng khóc suốt từ Hà Tây ra HN, rồi từ HN vào đến Gia Lai. Vào tây nguyên, tháng đầu tiên ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà. Cứ nghe điện thoại của mẹ, vừa đưa máy lên đã thấy mẹ khóc ở đầu dây bên kia. Chỉ đến khi mình có bầu rồi có con Hà Anh thì nỗi nhớ nhà mới nguôi ngoai đi. Hồi đẻ Hà Anh cũng có nhiều chuyện hay. Mẹ vào với mình trước khi sinh Hà Anh khoảng một tuần (đấy là theo tính toán của BS). Nhưng mẹ vào đến 3 tuần rồi mà vẫn chưa sinh. Thế là sáng hôm đó mẹ sang Buon Ma Thuột thăm cô của mình. 9h sáng đưa mẹ ra bến xe thì 11h trưa đau bụng. 4h sáng thì sinh Hà Anh. Mẹ ở bên Đắc Lắc thì cứ hắt hơi, đoán là mình đã sinh nên mẹ về ngay. Vừa về đến cổng trường thấy các chị ấy bảo cô Hà sinh rồi, thế là mẹ cứ thế khóc từ cổng trường về nhà. Ra đến bệnh viện thấy cháu cũng khóc ầm ầm. Khổ thế cơ chứ.

Được ở gần mẹ thật không gì bằng. Có một câu chuyện vui. Hôm đó trên giảng đường, ở phòng đợi của GV. Ông Thuần (bố của Thúy, bạn mình) bảo mình: “Cái Thúy dạo này khổ lắm vì nhà nó không có Ô sin nữa”. “Ô hay, thế nhà cháu lấy đâu ra Ô sin”. “Nhà mày có hẳn 2 Ô sin ở ngay bên cạnh đấy còn gì”. Cả phòng đợi được trận cười. Nói thế chứ đúng là ở gần bố mẹ sướng thật đấy. Đi đâu cũng yên tâm về con cái và nhà cửa. Mẹ cũng rất chiều mấy chị em, kể cả con rể chuyện ăn uống. Có hôm buổi tối mình buột miệng, dạo này tự nhiên con thèm lòng lợn quá, thế là sáng hôm sau 6h mẹ đã đạp xe ra chợ, mua lòng về, 10h sang đã thấy mẹ dồi lòng xong rồi. Bữa trưa được ăn lòng lợn, ngon tuyệt.

Ngày còn con gái mình gầy thậm tệ. Chỉ có 35 kg, đấy là cân nặng lúc đi lấy chồng. Hồi đó cứ nghe ai mách là ăn cái gì cho béo là mẹ lại hì hục làm cho mình. Không biết là mình đã uống đến bao nhiêu chén thuốc Bắc, ăn bao nhiêu quả trứng vịt lộn, rồi cao khỉ, mật ong, rồi biết bao nhiêu cây mía. Hihihihihi, thế mà chẳng có tác dụng gì cả, vẫn gày trơ xương. Chỉ đến khi chửa, đẻ thì tình hình mới cải thiện được. Đẻ mỗi đứa con tăng 10 đến 12 kg. Mẹ là người phấn khởi nhất khi thấy mình béo khỏe. Bức ảnh trên mình chụp cùng mẹ sau khi mình sinh thằng Mốc được 4 tháng. Ai mà khen là cái Hà dạo này béo thế là mẹ vui lắm. Chẳng gì thì ai cũng bảo mình là giống mẹ nhất. Cô Ất trông xe của trường mình bảo: Hà càng già càng giống mẹ hihihihihi.

Thế là mẹ đã sắp tròn 60 tuổi rồi. Cầu chúc cho mẹ mãi mãi khỏe mạnh.

Monday, February 11, 2008

Tết Mậu Tý 2008


Thế rồi cũng qua một cái Tết. Không biết ông bà mình sinh ra cái Tết làm gì nhỉ, chỉ thấy mệt và tốn tiền thôi hihihihi. Mình đã không có cảm giác thích Tết đến gần 20 năm nay rồi, từ khi bắt đầu vào đại học cơ.

Bức ảnh trên chụp ở BigC khi cả nhà đi chơi Tết hôm mồng 4. Hai đứa con nhà này hình như tiếc tiền hộ bố nên mặt mũi ỉu xìu.

Thôi thì mong cho năm 2008 tươi đẹp như mấy bông đồng tiền đỏ trong vườn nhà mình vậy (không tài nào mà post được cái ảnh mấy bông hoa đồng tiền đỏ thắm lên được, tức thế cơ chứ)