Saturday, July 26, 2008

Đêm ở Rạch Gốc


Ở Tân Ân nhiều nhưng vừa rồi mình mới có một đêm ở ngay làng chài của ấp Rạch Gốc A, để thưởng thức cái cảnh làng chài về đêm khi ghe về. Đây là làng chài ở ngay cửa biển Rạch Gốc. Nghề chính của bà con ở đây là đáy cạn, nghĩa là đánh bắt ngoài biển nhưng gần bờ bằng đáy, khác với mấy loại hình khác như đáy khơi hay đáy sông rạch. Thường thì vào các ngày nước lớn (còn gọi là con nước) ngư dân đưa thuyền ra biển, nhưng không xa bờ lắm, chỉ khoảng mươi hải lý đổ lại thôi. Đi lúc 2, 3h chiều thì khoảng 11, 12h đêm sẽ về. Đi đến làng chài vaò ban ngày sẽ có cảm giác là mọi người ở đây dường như không có việc gì, nhất là phụ nữ. Các chị ấy túm năm tụm ba nói chuyện, hoặc lo hong phơi cá tôm khô. Nhưng thực ra công việc của phụ nữ làng chài lại là về đêm khi ghe về. Chập tối các chị ấy ngủ sớm, nhưng thực ra là nằm võng thiu thiu thôi.


Hôm đó khoảng gần 11h30 ghe về đến nơi. Mình biết được là do các chị ấy lục tục gọi nhau và chuẩn bị đồ đạc cho công việc lựa cá sắp bắt đầu. Cánh đàn ông sau khi thu cá ở các miệng đáy ngoài biển sẽ có nhiệm vụ khiêng từng sọt cá to đổ ra sàn gỗ rộng được làm ngay sát mép sông. Đèn điện được thắp sáng chưng để giúp cho việc lựa cá được dễ dàng. Chị em, bao gồm cả trẻ em gái tất cả đều sẵn sàng cho công việc một cách gấp gáp. Nhìn đống cá, tôm, mực lẫn lộn mà phát ngán. Do mắt lưới nhỏ nên hầu hết là tôm cá nhỏ. Nhiều nhất là con ruốc (bé tẹo tèo teo), rồi đến cá khoai (loại này ăn lẩu hoặc nấu canh chua, nhưng mà mình không thích lắm vì thịt của nó cứ nhũn nhũn). Sau đó là tôm các loại (đến giờ mình mới biết là có nhiều loài tôm đến như vậy), rồi một ít mực và một số loại cá khác. Có một loài mình biết đó là cá hú vì hồi trước ở Pleiku hay được ăn con này (mang từ biển Quy Nhơn lên). Nhưng mình nhớ con này bự lắm, có khi đến cả ký một con (thường được xay và rán chả ), vậy mà ở đây cá hú bé tẹo, như là chỉ vừa mới sinh thôi. Thì mắt lưới nhỏ thế mà lại.



Nhiệm vụ của các chị là phải lựa riêng cá khoai, tôm các loại ra khỏi đống ruốc và cá tạp nhỏ xíu đó. Làm được hết đống công việc đó cũng đã đến 2,3h sáng rồi. Sáng hôm sau các chị ấy phải có nhiệm vụ bán hàng hoặc phơi phóng nữa. Tôm to to một chút là có giá trị nhất, cũng chỉ vài chục ngàn một ký. Cá khoai ở đây chỉ có 7-8 ngàn đồng, còn cái đống ruốc và cá nhỏ tạp thì được xếp chung vào một loại gọi là cá phân và được bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá 400 đến 500 đồng/kg. Đúng là tài nguyên thiên nhiên và sức lao động đã bị định giá quá thấp!

Thursday, July 17, 2008

Nhóc hết trơn

Giận thầy Phương cái vụ hoãn họp quá, rảnh rỗi mới thử ngồi ngẫm nghĩ xem cái gì ở Cà Mau là nhiều nhất. Cái “nhóc hết trơn” đầu tiên có lẽ là người bán vé số dạo. Không biết xổ số kiến thiết đóng góp bao nhiêu phần trăm vào tốc độ phát triển của Cà Mau mà sao nhiều người bán vé số dạo thế không biết. Đâu đâu cũng thấy người bán vé số từ già chí trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, ngồi ăn cũng chìa ra, ngồi đợi tàu xe cũng chìa ra, đang đi bộ dọc đường cũng chìa ra. Nhiều khi ức chế kinh khủng. Thế mới biết dân miền Tây “ham mê cờ bạc” thật. Mà cả như mình thì làm gì có xổ số kiến thiết xây dựng đất nước cơ chứ

Ai đó bảo Cà Mau nhiều xe ôm nhất nước. Đúng đấy, nhóc hết trơn. Ở đâu cũng thấy xe ôm, ngóc ngách, đầu đường nào cũng có xe ôm. Được cái tiện lợi. Ở đây nhiều ông xe ôm cũng rất tử tế. Thường thì đi gần gần mình không hỏi giá trước. Đến nơi hỏi giá có bác tài bảo: “đưa bao nhiêu cũng được, dễ ấy mà”. Cũng có ông thì lợi dụng mình không hỏi giá trước nên tăng giá “lên trời”. Sáng nay phải đi gửi tài liệu ở bưu điện rồi rẽ sang sở NN&PTNT để xin giấy giới thiệu sang chi cục HTX&PTNT. Trời nắng ngại đi bộ ra bưu điện mặc dù chỉ có vài trăm mét. Vậy là gọi xe ôm. Ra đến bưu điện, của đáng tội ông xe ôm phải đợi hơi lâu, rồi từ đó ra sở NN&PTNT cũng chỉ cách đó chừng 1km là cùng. Vậy mà ông ấy “chém” mình đến 20 ngàn, trong khi 10 ngàn đã là nhiều (kể cả công đợi), bực không chịu được. “Cú” nhất là mấy ông xe ôm ở Bến tàu cao tốc A. Đúng ra từ đó đi xe ôm về KS Siêu thị chỉ có 3 ngàn, vậy mà có hôm mình đưa 5 ngàn vẫn không chịu, đòi 10 ngàn. Lại còn mè nheo: “cho xin 10 ngàn đi, sáng giờ chưa mở hàng, người đẹp quá trời mà”. Hic, chỉ vì “đẹp quá trời” mà mất toi 5 ngàn, làm gì ra cơ chứ


Đấy là trên cạn, còn ở dưới nước thì ghe, “nhóc hết trơn”. Ở đây nhà nào cũng có ghe như là xe đạp hay xe máy ở ngoài mình vậy. Đó cũng là phương tiện mà mình thường xuyên phải đi khi xuống xã, ấp. Thường thì ở mỗi xã mình có 1, 2 ông chuyên chở ghe thuê, coi như là chủ ghe ruột vậy. Cứ xuống xã nào mà cần đi là chỉ gọi những ông đó thôi. Đi ghe quen cũng thấy yên tâm hơn. Mà hình như ở đây ai cũng vậy. Ví dụ nếu mình hỏi ai đó là muốn thuê ghe thì ngay lập tức người đó sẽ rút điện thoại ra cung cấp số di động ngay, trong này gọi là “mối”, nghĩa là khách hàng quen. Nói chung mấy ông chủ ghe đều dễ chịu, nhiệt tình, còn tính tiền có mắc hay không thì không biết được. Anh Khanh, chủ ghe ở Tân Duyệt chẳng hạn, khi nào chở mình về đến bến cao tốc Đầm Dơi cũng nói một câu: “Cô Hà về mạnh giỏi nghen”. Nghe mà mát hết cả ruột


Ở bến tầu cao tốc B của Cà Mau (nếu muốn đi Đầm Dơi, Vàm Đầm…) thì phải sang bến tàu này, còn nếu đi Năm Căn, Ngọc Hiển thì lại ở bến tàu A cơ) “nhóc hết trơn” lại là hàng rong. Nào là nước giải khát như chanh, rau má, trà đường…, rồi băng đĩa hình, bánh các loại, kẹo singum, quạt giấy, các loại khăn, sách, báo, tạp chí, xoong nồi, đồ chơi, đủ các thứ trên trời dưới bể…. “Nhóc”, không thể kể hết được. Mà người mua thì ít, người bán thì nhiều, rao bán cứ ầm ĩ cả lên. Khổ nhất là hôm nào phải ngồi đợi tàu khoảng nửa tiếng. Thôi thì cứ gọi là…

Wednesday, July 16, 2008

Đường đi ở mồm

Bức ảnh chụp ở trung tâm thành phố Cà Mau

Vẫn biết là “đường đi ở mồm” nhưng ở TP Cà Mau thì chưa hẳn đã đúng vì có hỏi thế chứ hỏi nữa cũng chưa chắc đã tìm được. Số nhà ở đây chẳng tuân theo quy luật nào, bên chẵn bên lẻ, số nhà lớn nhỏ cứ loạn cả lên. Hình như ở đây ai muốn nhà mình là số bao nhiêu thì tự phong thôi thì phải . Khách sạn Kim Yến thấy ghi là số 1 Hùng Vương, liền kề mấy chục mét là Khách sạn Siêu Thị cũng thấy để địa chỉ là số 1-2 Hùng Vương. Thật không biết đường nào mà lần. Mình bị mấy “quả” tìm địa chỉ ở Cà Mau chẳng bao giờ quên được. Đó là lần hẹn làm việc ở Công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản Quốc Việt. Trước khi đi đã phải gọi điện hỏi 1080 để biết số điện thoại và địa chỉ của công ty. Nói với ông xe ôm là đến địa chỉ 444 Lý Thường Kiệt. Đến đó hóa ra lại là một cửa hàng vàng. Đã thấy bực với mấy cô bưu điện vì sáng nay gọi điện theo số mà các cô ấy cung cấp thì hóa ra lại là số máy của một bưu điện huyện nào đó. Nói với anh xe ôm là muốn đến Công ty Quốc Việt, anh ta bảo: “Sao chị không nói từ đầu là muốn đến đó, chứ ở đây mà nói địa chỉ thì không bao giờ tìm được đâu”. Lại còn thế nữa. Cuối cùng thì cũng đến được Công ty Quốc Việt, cũng số 444 Lý Thường Kiệt nhưng cách cái số 444 của cùng phố đó khoảng 5km


Lần hai chị em (Hà và Thu) đi tìm Văn phòng đại diện của Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau ở TP Cà Mau cũng vậy. Được anh Súy “phó vườn” cung cấp địa chỉ là số 46 Lâm Thành Mộng hai chị em quyết định bắt taxi đi “giao dịch” cho hoành tráng. Vậy mà đến đầu ngã tư chia hai phía của đường Lâm Thành Mộng thì ông tài năn nỉ sau một hồi đi vòng vèo tìm số 46: “Chế xuống đi bộ giùm em đi”. Hai chị em cũng tuân theo quy luật chẵn lẻ, nhỏ lớn để tìm số 46, nhưng càng đi càng vô vọng. Trời thì nắng, lếch thếch xách túi, kính mũ găng tay “bảo vệ làn da nhạy cảm châu Á” đi đến gần cả cây số mà không tài nào tìm được. Hỏi người dân hai bên đường cũng chẳng ai biết. Cực chẳng đã phải gọi cho anh Súy để “cầu cứu”, mặc dù vẫn cứ nghĩ anh ấy đang ở tít dưới Đất Mũi. Cuối cùng thì cũng tìm được nhưng thực ra là do anh Súy chạy ra tận đầu đường đón. Mọi người đều khuyên là ở Cà Mau thì tốt nhất đừng hỏi số nhà, mà cứ hỏi thẳng đến tên cơ quan hay công ty mà mình cần tìm. Công nhận, bây giờ nghĩ vẫn khiếp về cái vụ tìm đường ở Cà Mau


Monday, July 14, 2008

Trở lại Đất Mũi

Quay trở lại Đất Mũi lần thứ hai (May mà có cái đề tài của sếp Hùng nên 2 chị em, nhất là em Thu mới có cơ hội được đến đây)

DSC01694
Đầu tiên là phải thưởng thức món ốc len hấp nước dừa của nhà hàng Mũi Cà Mau đã...
DSC01689
Mưa to, đành phải ngồi đợi vậy
DSC01696
Nhà hàng thủy tạ phía sau...
DSC01714
...và xa xa
DSC01706
Ngồi thu lu ....
DSC01709
...ở GPS 0001
DSC01712
Bên cây đa trồng lưu niệm của Tổng bí thư
DSC01700
Con thuyền đất nước
DSC01697
Hai du khách "lạc lõng" (mãi mới tìm được người nháy hộ kiểu ảnh chung này)
DSC01725
Đứng trước biển
DSC01729
Với rừng
DSC01718

Nhà sưu tầm

"Nhà sưu tầm" ở trung tâm Bruxel năm 1999

14 tháng 8 năm 1999, xa con gái mới có 4 tuổi để đi Hà Lan. Lên máy bay khóc từ Nội Bài vào đến Tân Sơn Nhất, rồi lại khóc từ đó đến sân bay Changi của Singapore. Ngồi cạnh mình là một chú (quên mất tên chú ấy, mà cũng không còn giữ được cái card mà chú ấy đưa cho mình) công tác ở Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore. Thấy mình cứ úp mặt xuống khóc chú ấy mới hỏi chuyện. Xuống đến sân bay Changi chú ấy đưa cho mình 2 dolar Singapore và dặn: "Cháu đổi ra tiền xu rồi gọi điện về nhà. Nhưng mà theo chú thì cháu không nên gọi bây giờ vì nếu gọi về khi cháu chưa sang đến nơi mà lại khóc thế này thì gia đình còn lo lắng hơn". Nghĩ đi nghĩ lại rồi cũng quyết định chưa gọi vội. Vậy là trong tay có đồng tiền nước ngoài đầu tiên. Sang đến Hà Lan, gặp nhiều người ở nhiều quốc gia mình mới chợt nghĩ tại sao mình không sưu tầm tiền của các nước nhỉ. Vậy là bắt đầu chiến dịch thu thập các loại tiền, mà phải là tiền giấy cơ, chứ mình không thích tiền xu. Hồi đó lớp mình có các bạn từ Campuchia, Bhutan, Nepal, Trung Quốc, Philipin, Uganda, Jamaica, Tanzania, Trinidad &Tobago, Etiopia, Kenya, Zambia nên ít nhất bộ sưu tập của mình đã có được những nước ấy. Ngoài ra cũng còn vừa xin, vừa đổi, vừa mua được khá khá tiền giấy của các nước khác. "Cái ác" của sưu tập tiền giấy là thường thì tiền giấy mệnh giá lớn, nên đôi khi mình cũng phải trả khá nhiều tiền để có được một tờ giấy suy cho cùng chẳng để làm gì mà cũng chẳng làm gì được. Có anh bạn người Costarica nhất định không cho mà cũng không chịu bán cho mình tờ tiền mệnh giá nhỏ nhất nhưng nghe đâu giá trị ngang bằng với khoảng 20 Euro. Nhớ lần đi Anh, lúc về sau khi cố tiêu hết số tiền đã đổi từ tiền Hà Lan thì vẫn phải giữ lại tờ 5 Bảng có hình nữ hoàng Anh. Bây giờ thì bộ sưu tập của mình có hơn 50 loại rồi. Tuy nhiên lâu lắm rồi chẳng có thêm tờ nào nữa cả. Mấy bạn trong lớp thì cứ trêu mình "mày sưu tầm mấy cái tờ giấy stupid đấy làm gì không biết, bọn tao chỉ sưu tầm USD thôi" Đúng là chẳng có tâm hồn gì cả.


Lần đầu sang Hà Lan mình cũng rất thích thú với mấy cái thìa nhỏ nhỏ xinh xinh bằng bạc mà người ở đây họ thường dùng để khuấy trà hay cafe. Vậy là mình lại bắt đầu "chiến dịch" sưu tầm tea spoon. Mua mới thì đắt mà thực ra kiểu dáng không đẹp nên mình rất chịu khó đi second hand shop để tìm spoon. Một cái thìa như vậy chỉ khoảng mấy chục cent thôi. Có nhiều chuyện buồn cười quanh cái vụ sưu tầm thìa của mình. Một hôm cả lũ kéo nhau đi đến một cái shop chuyên bán đồ cũ ở khá xa Shita. Đến đó, mỗi người một sở thích, nhìn ngắm, mua bán. Riêng mình thì chỉ chăm chắm tìm spoon thôi. Nhưng được cái ai trong lớp cũng biết sở thích này của mình nên cũng để ý giùm cái vụ spoon. Cô bạn gọi thất thanh "Ha, spoon". Chạy lại thì hóa ra là một cái thìa to như tổ chảng mà ở ngoài Bắc kêu là muỗng, còn trong Nam kêu là giá (đại để là dùng để múc canh). "Trời, tao có sưu tầm loại này đâu". "Oh, thế mà tao cứ tưởng mày sưu tầm tất cả các loại spoon chứ" Heheheheheh sưu tầm hết các loại spoon thì chắc mình phải thuê cả contenner để chuyển về. Bây giờ thì bộ sưu tầm này bị ông con vứt mỗi chỗ một cái, chỉ còn lại mấy cái thìa mới của mấy nước mình đã đến thôi.