Friday, March 14, 2008

TẢN MẠN MIỀN TÂY ...dài dài

"Việt kiều Mỹ" đi thăm vuông tôm ở ấp Xẻo Mắm

Việt kiều về nước

Hôm đi từ Cần Thơ xuống Năm Căn, từ bến tàu cao tốc về khách sạn Thục Trinh mình hì hục kéo cái vali và lễ mễ xách cái máy laptop (Dự án RESCOPAR mua cho, vừa to vừa nặng) bên đường hai cô bé nhìn mình hỏi: “Chế ơi, chế đẹp thế, chế ở Mỹ mới về à?” Hehehehe, trông mình lại giống Việt kiều Mỹ cơ đấy. Mệt nhưng cũng cố nở nụ cười tươi như hoa với hai đứa, “Uh, chế mới ở bển về”. Xấu hổ quá!!!

Chị em miền Tây

Phải công nhận là phụ nữ miền Tây chịu chơi. Ở TP như Cần Thơ hay Cà Mau thì không nói làm gì, nhưng mình thấy ngay cả chị em ở ấp, xã cũng “ăn chơi” thật. Nào là sơn móng chân, móng tay, rồi săm lông mày, săm môi, bôi kem đánh phấn. Điều này hòan toàn khác xa với phụ nữ nông thôn miền Bắc (hầu hết cả đời họ không hề biết đến những thứ xa xỉ như thế). Còn đeo trang sức thì thôi rồi. Mình thuộc dạng đeo nhiều trang sức ở ngoài Bắc, nhưng vô đây chỉ bằng “phân nửa” của các chị em miền Tây. Mình thì chỉ đeo vàng 18k, mỏng mảnh, nhẹ nhàng thôi chứ chị em ở đây thì phải vàng 24k, to, dầy, nặng rồi còn kim cương, hột xoàn nữa cơ. Hà, cô con gái nhà bà chủ mà mình trọ ở Tân Ân cũng phải thừa nhận như thế. Nó bảo hầu như con gái ở đây khi đã lấy chồng thì chỉ ở nhà nội trợ thôi còn thì chồng nuôi, chứ không lo bươn chải vất vả kiếm tiền như phần lớn phụ nữ miền Bắc. Nhiều cô trong này cũng chỉ thích lấy chồng ngoại như Đài Loan, Hàn Quốc…để được hưởng cuộc sống an nhàn. Hà là một trong số ít con gái miền Tây rất chịu khó làm ăn. Hà sinh năm 1983, đã có chồng và cậu con trai gần 1 tuổi nhưng nó bảo “em vẫn thích tự mình phải kiếm được tiền”. Vì vậy từ khi mới 17 tuổi Hà đã lên Sài Gòn học nghề may rèm, mành, ga gối và có một cửa hiệu nhỏ nhỏ ở Tân Ân, bán hàng túc tắc, vào mùa cưới thì bận rộn hơn. Thu nhập của cửa hiệu cũng đủ cho những chi tiêu hàng ngày phụ giúp vào thu nhập của anh chồng làm nghề điện tử. Dù sao đó cũng là những quan niệm sống khác nhau ở các vùng khác nhau.

Giao thông nông thôn

Trước đây huyện Ngọc Hiển bao gồm cả Năm Căn, trong đó huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển là thị trấn Năm Căn. Cái tên Năm Căn bắt nguồn từ khi nó được hình thành đó là do ở thời điểm đó ở đây chỉ có 5 căn nhà mà thôi. Cách đây mấy năm huyện Ngọc Hiển được chia làm hai. Một nửa là huyện Năm Căn với thị trấn Năm Căn và các xã như Tam Giang, Hàm Rồng, Tam Giang Đông…Còn huyện Ngọc Hiển thì phải xây dựng huyện lỵ mới ở xã Tân Ân, nằm cách trung tâm xã 9km và gần trụ sở cũ của Lâm ngư trường Kiến Vàng (Bây giờ cũng đã chuyển thành BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng). Chính vì vậy huyện lỵ Ngọc Hiển còn rất đơn sơ, buồn hơn nhiều so với trung tâm của xã Tân Ân. Hệ thống giao thông ở đây cũng bắt đầu được xây dựng từ trung tâm huyện đi các xã. Tuy nhiên đó chỉ là hệ thống đường bê tông bé bé, hai cái xe máy mà gặp nhau là phải né mới đi được. Cứ cách khoảng 1, 2 km là lại có một cái cầu. Nhìn hình dáng cầu thì chẳng khác nào cầu Bãi Cháy ở Quảng Ninh cả, cao chót vót (chẳng là vì tàu bè còn phải đi lại ở dưới mà). Sau đây là câu chuyện mà Đồng, cán bộ khuyến ngư xã Tân Ân kể: Có một ông đi nhậu về bị té xuống kênh ven đường cùng với chiếc xe máy. Khi mọi người đưa được xe máy lên rồi vẫn thấy ông ấy lóp ngóp ở dưới kênh không chịu lên. Hóa ra ông ấy tiếc đôi dép vợ mới mua cho (mất đôi dép ấy về thì chết với bả!). Mọi người thương tình xuống mò giúp. Cuối cùng thì cũng vớt được 11 cái dép, chỉ có điều chẳng cái nào là dép của ông ấy cả. Chuyện thật 100%

Vinh Hạng hay Dinh Hạn?

Ở huyện Ngọc Hiển có một khúc sông đổ ra biển. Lần đi khảo sát ở xóm Xẻo Mắm phải đi qua con kênh này. Trước khi đi, ngồi ở UBND xã mình đã ngắm nghía cái bản đồ để hình dung đường đi rồi. Trên tấm bản đồ hành chính xã con kênh này có tên là Vinh Hạng, cũng là tên một ấp của xã. Khi đi, nghe người dân ở đây nói thì mình cũng nghe ra là ấp Vinh Hạng. Thực ra thì mấy từ này (Vinh với Dinh, Hạng với Hạn) người miền Tây nói như nhau à. Tuy nhiên khi sang bên BQLRPH Kiến Vàng thì trong báo cáo chính thức của ban (đề án chuyển đổi từ Lâm ngư trường sang BQL rừng phòng hộ) thì lại ghi là Dinh Hạn. Không biết đường nào mà lần. Bản đồ hành chính chắc là chính xác, mà báo cáo chính thức của một cơ quan nhà nước chắc cũng không sai. Tóm lại là người miền Tây rất dễ tính, Vinh Hạng cũng được mà Dinh Hạn cũng OK. Cho đến bây giờ mình cũng chưa biết địa danh đó là Dinh Hạn hay Vinh Hạng đấy

No comments:

Post a Comment