Friday, March 14, 2008

TẢN MẠN MIỀN TÂY

Mình vừa tạm ứng tiền để đi thực địa. Ngồi đếm tiền mà cười như "địa chủ được mùa khoai tây thối" vậy, còn cô bạn Trung Quốc ngồi chung văn phòng thì nhìn có vẻ "thèm" lắm

Lâu lắm rồi mới viết blog. Đang ở Tân Ân nhưng nhà trọ "bình dân" này cũng có internet. Thôi thì thứ 7 không phải làm gì ngồi viết blog chơi vậy.

Địa danh

Lần đầu tiên vào Cần Thơ (tháng 11 năm 2007) mình không đi thẳng từ thành phố HCM xuồng mà phải đi hơi “vòng vèo” một chút. Sáng 6h sáng bay từ TPHCM xuống TP Cà Mau, sau đó lại phải bắt taxi từ đây đi thị xã Bạc Liêu (vì cái stakeholder meeting của dự án họp ở Sở NN&PTNT Bạc Liêu). Họp xong theo xe của các thầy ở ĐH Cần Thơ về TP Cần Thơ. Gần về đến Cần Thơ, thầy Tuấn (hiệu trưởng CTU) “giới thiệu” với mình là ở trong này không có “đực” mà chỉ có “cái thôi”. Vì vậy địa danh ở đây cũng rất lạ: Nào là Cái Răng, Cái Tắc, Cái Nước, Cái Môi, Cái Mun, rồi còn có cả Cái Vồn, lại còn Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Nhỏ nữa chứ hehehhehe, toàn là bộ phận con người cả đấy. Có câu chuyện tiếu lâm về những cái tên này nhưng mà “hơi bậy” nên mình không kể đâu…Mọi người tự tìm hiểu nhé

Cách đặt tên xã, nhất là khi phải phân chia cũng rất hay. Ở Năm Căn và Ngọc Hiển người ta đặt tên xã thế này. Xã Tam Giang trước đây rất rộng, vì vậy khi tách làm hai huyện thì xã này được chia làm 3. Tam Giang và Tam Giang Đông thuộc huyện Năm Căn. Còn Tam Giang Tây thì lại thuộc Ngọc Hiển. Tân Ân trước đây cũng chỉ là 1 xã, sau đó được chia ra thành Tân Ân và Tân Ân Tây. Viên An cũng được chia thành Viên An và Viên An Đông. Có xã Quách Phẩm rồi còn có xã Quách Phẩm Bắc. Ở xã Tân Ân trước đây có ấp Rạch Gốc, nay được chia ra thành 3 ấp là Rạch Gốc, Rạch Gốc A và Rạch Gốc B. Ở huyện Đông Hải của Bạc Liêu, người ta chia xã Long Điền thành Long Điền, Long Điền Tây, Long Điền Tây A…Đại loại vậy. Nhiều cái tên nghe lạ và cũng phải nhập tâm lâu lâu thì mới nhớ được như là Chà Là, Xẻo Mắm, Nhung Miên, Ông Trang, Cả Nẩy…

Cũng có nhiều địa danh ở đây dùng tên của các vị danh nhân lịch sử. Huyện Ngọc Hiển chính là tên của vị anh hung khởi nghĩa Phan Ngọc Hiển. Hiện ở Tân Ân vẫn còn một cây me, ngay mép sông Rạch Gốc có tên “Cây me truyền thống”. Nghe đâu đó là nơi Phan Ngọc Hiển dấy cờ khởi nghĩa. Các xã khác có tên như Trần Phán, Quách Phẩm…đều là tên của các vị tướng lĩnh dưới quyền của ông. Trường PTTH chuyên Phan Ngọc Hiển của Cà Mau cũng là trường khá nổi tiếng cả nước về tỷ lệ thi đỗ đại học.

R hay G?

Người miền Tây về cơ bản là không nói được chữ R, mà tất cả chữ R ở đầu âm sẽ được nói thành G. Ví dụ “cá rô” sẽ thành “cá gô”, “cái rổ” sẽ thành “cái gổ”, “xong rồi” sẽ thành “xong gồi”. Nếu ai đó hỏi: “Ăn cơm chưa?” thì câu trả lời sẽ là “ăn gồi”. Hồi mới vào trong này, ra chợ được mời mua “cá gô” mình cứ buồn cười mãi. Giờ thì nghe lại thành quen, đôi khi còn nhỡ mồm nói theo như họ nữa chứ.

Nhưng bây giờ mình vẫn thấy hơi khó nghe người miền Tây nói. Hôm trước phỏng vấn một anh nông dân ở Long Điền Tây, tên anh ấy là Dư Anh Tuấn mà mình nghe thành Vũ Văn Tấn và đàng hoàng ghi vào trong sổ, thế mới chết chứ. May mà có cậu cán bộ văn phòng ủy ban đi cùng nhìn thấy chỉnh cho. Còn việc phải hỏi lại là chuyện thường xuyên. Đấy là chưa kể mình hơi lãng tai giống bố nữa chứ (Con gái giống cha giàu ba đụn đấy).

No comments:

Post a Comment