Saturday, March 29, 2008

Chùa Cổ Lễ

Sáng nay trên TV có chương trình giới thiệu về Nam Định (hình như là chương trình quảng bá cho du lịch Việt nam thì phải -VN vẻ đẹp tiềm ẩn). Về Nam định mà không đến chùa Cổ Lễ thì coi như chưa đến. Đó là ngôi chùa thuộc loại đẹp nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt nam do một vị Thượng tọa đã tu thành chính quả có tên là Khổng Minh Không xây dựng từ thế kỷ 12. Trong chùa đó ngoài phần điện chính thờ các nhân vật (mình chịu không thể nhớ được tên của các vị ấy, nhưng có một cái tượng Phật Tổ Như Lai rất rất rất to), còn rất nổi tiếng với cái chuông nặng đến 9 tấn mà mỗi năm chỉ được đánh có một lần gọi là khai thanh nhằm đúng vào ngày giỗ của một vị thượng tọa người đã có công làm nên cái chuông đó. Ngoài ra tháp Phổ Minh cũng là một nét đẹp của ngôi chùa này. Mình đã từng leo bộ lên tận đỉnh của tòa tháp này rồi.

Hầu như năm nào mình cũng đi chùa Cổ Lễ, cũng chỉ là đi vãn cảnh và "xin lộc rơi lộc vãi" thôi chứ không biết khấn vái gì ghê gớm cả. Chẳng là vì quê chồng ở ngay thị trấn Cổ Lễ, cách chùa chỉ có một đoạn nên mình cũng thấy ngôi chùa đó thật thân thuộc, thậm chí đôi khi thấy nó rất bình thường (chứ không đẹp sang trọng như quảng cáo trên TV). Đúng là "gần chùa gọi bụt bằng anh". Bố chồng mình lại rất thân với ông sư trụ trì chùa nữa chứ. Ở Cổ Lễ cứ vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm sẽ có lễ hội diễn ra từ ngaỳ 13 đến ngày 16. Nghe đâu là rất vui và ấn tượng nhưng 15 năm lấy chồng người Cổ Lễ mà mình chưa một lần được tham dự lễ hội này. Tiếc thật nhưng sắp xếp thời gian để cả nhà có thể về được vào dịp đó thật khó.

Bức ảnh hai mẹ con chụp vào dịp Tết năm 2006 trước tháp Phổ Minh của chùa Cổ Lễ.

Tuesday, March 25, 2008

TÔM CÁ CÀ MAU

Tôm mẹ Rạch Gốc

Có lẽ nếu không vào Cà Mau thì mình không thể biết được lại có nhiều loài tôm cá đến vậy. Bắt đầu với tôm nhé. Ngoài tôm sú là giống tôm nuôi phổ biến hiện nay ở Mekong Delta thì còn rất nhiều giống tôm địa phương khác như tôm bạc, tôm chì, tôm giang, tôm đất, tôm sắt, tôm thẻ…Đặc biệt ở miền Tây nếu tôm rang lên thì sẽ được gọi là món tép rang (Mặc dù “con tép” này to hơn ngón tay cái). Mình cứ thấy buồn cười nếu vào quán mà chỉ vào đĩa tôm rang thì chủ quán sẽ bảo “tép rang hả”. Chỉ có tôm sú là giống tôm được sản xuất tại các trại tôm giống còn các giống khác đều là sinh sản tự nhiên và có ở hầu hết các sông rạch ở MD. Trước đây khi rừng còn nhiều, người còn ít, người nông dân chỉ cần quây một diện tích mặt nước lại, cứ con nước hàng tháng 2 lần xổ tôm sẽ thu được rất nhiều tôm. Đó là nuôi tôm quảng canh, nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống và thức ăn tự nhiên. Đến giờ thì họ đã phải chuyển sang một loại farming system gọi là quảng canh caỉ tiến nghĩa là vẫn lợi dụng nguồn thức ăn tự nhiên nhưng phải thả giống được ươm nhân tạo là giống tôm sú. Rạch Gốc, tên một cửa biển thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau rất nổi tiếng với tôm mẹ chất lượng cao và đặc biệt có thương hiệu ở MD.

Tôm sú mẹ được đánh bắt ngoài biển xa (gọi là đánh bắt xa bờ). Tàu đi đánh bắt tôm mẹ phải là tàu to, mỗi chuyến đi sẽ kéo dài hàng tháng. Có một đội ngũ thương lái chuyên mua bán tôm mẹ sẽ ra tận tàu đánh bắt mua về cửa Rạch Gốc để bán, tàu của thương lái đó gọi là tàu trung chuyển. Thường thì khoảng từ 12h đêm đến 5h sáng hàng ngày “chợ tôm mẹ” diễn ra rất tấp nập ngay tại Trạm kiểm dịch tôm giống Rạch Gốc, nơi mà các cán bộ của trạm có trách nhiệm kiểm tra chất lượng tôm mẹ, con nào đạt chất lượng sẽ được cấp tem chứng nhận và khi đó mới được bán. Người mua cũng sẽ chỉ mua những con được cấp chứng nhận. Tất nhiên đằng sau cái chợ này cũng có nhiều chuyện “thâm cung bí sử” lắm. Tôm mẹ được phân loại và giá cả tùy theo loại. Loai 1 có thể bán tới giá 4,5 đến 5 triệu đồng/con. Loại thấp nhất cũng phải 2, 3 triệu đồng/con. Thường thì các chủ trại tôm mua tôm mẹ về ươm cho lên trứng. Mỗi con mẹ như vậy có thể đẻ được tới 10 lần nhưng thường thì để đảm bảo chất lượng tôm giống họ chỉ cho đẻ đến lần thứ 4, thứ 5 thôi. Hôm trước mình có phỏng vấn ông chủ trại tôm giống Dương Hùng ở Gành Hào, Bạc Liêu thì ông nói trại của ông chỉ mua tôm mẹ loại 1 (vận chuyển từ Rạch Gốc về đến Gành Hào giá một con đã là 5 đến 5,5 triệu đồng) nhưng ông cũng chỉ cho đẻ 2 lần mà thôi. Chính vì vậy giá tôm giống Dương Hùng luôn luôn ở mức cao nhất với 55 đồng/con So sánh với giá tôm giống của các trại khác thường chỉ 22, 25, 32, 36 đồng/con. Thậm chí nhiều chủ trại nhỏ lẻ chỉ bán với giá 18, 19 đồng/con. Theo như ông tự quảng cáo thì chất lượng tôm Dương Hùng là “số 1”. Hehehehhe tự nhiên mình lại đi “quảng cáo không công” cho ông ấy.

Cũng có một dịch vụ gọi là “cho thuê tôm mẹ” ở Rạch Gốc. Thường thì trong số 10 con tôm mẹ đánh bắt ngoài biển vào sẽ có khoảng 2 con là đã có trứng sẵn. Chủ trại tôm sẽ “thuê” con tôm đó của thương lái, cho đẻ ngay trong đêm đó và mang trả lại trước 3h sáng để thương lái bán lại cho chủ trại khác. Giá thuê một lần như thế là khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. Tính ra thì đúng là rẻ hơn nhiều so với mua một con tôm mẹ. Mặt khác trứng lên tự nhiên có lẽ cũng tốt hơn. Đấy là chưa kể chủ trại mua tôm mẹ về phải tốn tiền thức ăn và công sức để tôm mẹ lên trứng nữa chứ. Nhưng cái mẹo thuê tôm mẹ này thì chỉ những chủ trại tôm giống ở Rạch Gốc mới áp dụng được chứ chủ trại ở xa thì “chịu chết”. Mà quên mất mình chưa hỏi là liệu các “chuyên gia” về tôm mẹ có thể nhận biết được con tôm nào đã đẻ nhiều lần, con tôm nào chưa đẻ lần nào. Vì nếu nó đã đẻ rất nhiều lần ngoài biển rồi thì việc để cho tôm chỉ đẻ 2, 3 hay 4 lần khi mang về trại là vô nghĩa, lấy đâu ra chất lượng nữa.

Còn về cá, cá biển, cá sông, cá ở cửa sông cửa biển thì nhiều loại vô cùng. Mình chỉ nhớ tên và nhận biết được một ít thôi: Cá kèo (con này đang trở thành “loài cá nuôi chủ lực” ở Cà Mau và Bạc Liêu cùng với con tôm, nhưng hiện tại khó khăn là chưa ươm giống được mà chỉ trông chờ vào nguồn giống tự nhiên), cá khoai, cá chẽm, cá nâu, cá thát lát (mình rất khoái món cá thát lát nướng muối ớt), cá thòi lòi, cá đối, cá ngát, cá dứa…không thể biết và nhớ tên của cá ở Cà Mau được. Thế mới biết thiên nhiên thật ưu đãi cho miền Tây.

Friday, March 14, 2008

TẢN MẠN MIỀN TÂY ...dài dài

"Việt kiều Mỹ" đi thăm vuông tôm ở ấp Xẻo Mắm

Việt kiều về nước

Hôm đi từ Cần Thơ xuống Năm Căn, từ bến tàu cao tốc về khách sạn Thục Trinh mình hì hục kéo cái vali và lễ mễ xách cái máy laptop (Dự án RESCOPAR mua cho, vừa to vừa nặng) bên đường hai cô bé nhìn mình hỏi: “Chế ơi, chế đẹp thế, chế ở Mỹ mới về à?” Hehehehe, trông mình lại giống Việt kiều Mỹ cơ đấy. Mệt nhưng cũng cố nở nụ cười tươi như hoa với hai đứa, “Uh, chế mới ở bển về”. Xấu hổ quá!!!

Chị em miền Tây

Phải công nhận là phụ nữ miền Tây chịu chơi. Ở TP như Cần Thơ hay Cà Mau thì không nói làm gì, nhưng mình thấy ngay cả chị em ở ấp, xã cũng “ăn chơi” thật. Nào là sơn móng chân, móng tay, rồi săm lông mày, săm môi, bôi kem đánh phấn. Điều này hòan toàn khác xa với phụ nữ nông thôn miền Bắc (hầu hết cả đời họ không hề biết đến những thứ xa xỉ như thế). Còn đeo trang sức thì thôi rồi. Mình thuộc dạng đeo nhiều trang sức ở ngoài Bắc, nhưng vô đây chỉ bằng “phân nửa” của các chị em miền Tây. Mình thì chỉ đeo vàng 18k, mỏng mảnh, nhẹ nhàng thôi chứ chị em ở đây thì phải vàng 24k, to, dầy, nặng rồi còn kim cương, hột xoàn nữa cơ. Hà, cô con gái nhà bà chủ mà mình trọ ở Tân Ân cũng phải thừa nhận như thế. Nó bảo hầu như con gái ở đây khi đã lấy chồng thì chỉ ở nhà nội trợ thôi còn thì chồng nuôi, chứ không lo bươn chải vất vả kiếm tiền như phần lớn phụ nữ miền Bắc. Nhiều cô trong này cũng chỉ thích lấy chồng ngoại như Đài Loan, Hàn Quốc…để được hưởng cuộc sống an nhàn. Hà là một trong số ít con gái miền Tây rất chịu khó làm ăn. Hà sinh năm 1983, đã có chồng và cậu con trai gần 1 tuổi nhưng nó bảo “em vẫn thích tự mình phải kiếm được tiền”. Vì vậy từ khi mới 17 tuổi Hà đã lên Sài Gòn học nghề may rèm, mành, ga gối và có một cửa hiệu nhỏ nhỏ ở Tân Ân, bán hàng túc tắc, vào mùa cưới thì bận rộn hơn. Thu nhập của cửa hiệu cũng đủ cho những chi tiêu hàng ngày phụ giúp vào thu nhập của anh chồng làm nghề điện tử. Dù sao đó cũng là những quan niệm sống khác nhau ở các vùng khác nhau.

Giao thông nông thôn

Trước đây huyện Ngọc Hiển bao gồm cả Năm Căn, trong đó huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển là thị trấn Năm Căn. Cái tên Năm Căn bắt nguồn từ khi nó được hình thành đó là do ở thời điểm đó ở đây chỉ có 5 căn nhà mà thôi. Cách đây mấy năm huyện Ngọc Hiển được chia làm hai. Một nửa là huyện Năm Căn với thị trấn Năm Căn và các xã như Tam Giang, Hàm Rồng, Tam Giang Đông…Còn huyện Ngọc Hiển thì phải xây dựng huyện lỵ mới ở xã Tân Ân, nằm cách trung tâm xã 9km và gần trụ sở cũ của Lâm ngư trường Kiến Vàng (Bây giờ cũng đã chuyển thành BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng). Chính vì vậy huyện lỵ Ngọc Hiển còn rất đơn sơ, buồn hơn nhiều so với trung tâm của xã Tân Ân. Hệ thống giao thông ở đây cũng bắt đầu được xây dựng từ trung tâm huyện đi các xã. Tuy nhiên đó chỉ là hệ thống đường bê tông bé bé, hai cái xe máy mà gặp nhau là phải né mới đi được. Cứ cách khoảng 1, 2 km là lại có một cái cầu. Nhìn hình dáng cầu thì chẳng khác nào cầu Bãi Cháy ở Quảng Ninh cả, cao chót vót (chẳng là vì tàu bè còn phải đi lại ở dưới mà). Sau đây là câu chuyện mà Đồng, cán bộ khuyến ngư xã Tân Ân kể: Có một ông đi nhậu về bị té xuống kênh ven đường cùng với chiếc xe máy. Khi mọi người đưa được xe máy lên rồi vẫn thấy ông ấy lóp ngóp ở dưới kênh không chịu lên. Hóa ra ông ấy tiếc đôi dép vợ mới mua cho (mất đôi dép ấy về thì chết với bả!). Mọi người thương tình xuống mò giúp. Cuối cùng thì cũng vớt được 11 cái dép, chỉ có điều chẳng cái nào là dép của ông ấy cả. Chuyện thật 100%

Vinh Hạng hay Dinh Hạn?

Ở huyện Ngọc Hiển có một khúc sông đổ ra biển. Lần đi khảo sát ở xóm Xẻo Mắm phải đi qua con kênh này. Trước khi đi, ngồi ở UBND xã mình đã ngắm nghía cái bản đồ để hình dung đường đi rồi. Trên tấm bản đồ hành chính xã con kênh này có tên là Vinh Hạng, cũng là tên một ấp của xã. Khi đi, nghe người dân ở đây nói thì mình cũng nghe ra là ấp Vinh Hạng. Thực ra thì mấy từ này (Vinh với Dinh, Hạng với Hạn) người miền Tây nói như nhau à. Tuy nhiên khi sang bên BQLRPH Kiến Vàng thì trong báo cáo chính thức của ban (đề án chuyển đổi từ Lâm ngư trường sang BQL rừng phòng hộ) thì lại ghi là Dinh Hạn. Không biết đường nào mà lần. Bản đồ hành chính chắc là chính xác, mà báo cáo chính thức của một cơ quan nhà nước chắc cũng không sai. Tóm lại là người miền Tây rất dễ tính, Vinh Hạng cũng được mà Dinh Hạn cũng OK. Cho đến bây giờ mình cũng chưa biết địa danh đó là Dinh Hạn hay Vinh Hạng đấy

TẢN MẠN MIỀN TÂY

Mình vừa tạm ứng tiền để đi thực địa. Ngồi đếm tiền mà cười như "địa chủ được mùa khoai tây thối" vậy, còn cô bạn Trung Quốc ngồi chung văn phòng thì nhìn có vẻ "thèm" lắm

Lâu lắm rồi mới viết blog. Đang ở Tân Ân nhưng nhà trọ "bình dân" này cũng có internet. Thôi thì thứ 7 không phải làm gì ngồi viết blog chơi vậy.

Địa danh

Lần đầu tiên vào Cần Thơ (tháng 11 năm 2007) mình không đi thẳng từ thành phố HCM xuồng mà phải đi hơi “vòng vèo” một chút. Sáng 6h sáng bay từ TPHCM xuống TP Cà Mau, sau đó lại phải bắt taxi từ đây đi thị xã Bạc Liêu (vì cái stakeholder meeting của dự án họp ở Sở NN&PTNT Bạc Liêu). Họp xong theo xe của các thầy ở ĐH Cần Thơ về TP Cần Thơ. Gần về đến Cần Thơ, thầy Tuấn (hiệu trưởng CTU) “giới thiệu” với mình là ở trong này không có “đực” mà chỉ có “cái thôi”. Vì vậy địa danh ở đây cũng rất lạ: Nào là Cái Răng, Cái Tắc, Cái Nước, Cái Môi, Cái Mun, rồi còn có cả Cái Vồn, lại còn Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Nhỏ nữa chứ hehehhehe, toàn là bộ phận con người cả đấy. Có câu chuyện tiếu lâm về những cái tên này nhưng mà “hơi bậy” nên mình không kể đâu…Mọi người tự tìm hiểu nhé

Cách đặt tên xã, nhất là khi phải phân chia cũng rất hay. Ở Năm Căn và Ngọc Hiển người ta đặt tên xã thế này. Xã Tam Giang trước đây rất rộng, vì vậy khi tách làm hai huyện thì xã này được chia làm 3. Tam Giang và Tam Giang Đông thuộc huyện Năm Căn. Còn Tam Giang Tây thì lại thuộc Ngọc Hiển. Tân Ân trước đây cũng chỉ là 1 xã, sau đó được chia ra thành Tân Ân và Tân Ân Tây. Viên An cũng được chia thành Viên An và Viên An Đông. Có xã Quách Phẩm rồi còn có xã Quách Phẩm Bắc. Ở xã Tân Ân trước đây có ấp Rạch Gốc, nay được chia ra thành 3 ấp là Rạch Gốc, Rạch Gốc A và Rạch Gốc B. Ở huyện Đông Hải của Bạc Liêu, người ta chia xã Long Điền thành Long Điền, Long Điền Tây, Long Điền Tây A…Đại loại vậy. Nhiều cái tên nghe lạ và cũng phải nhập tâm lâu lâu thì mới nhớ được như là Chà Là, Xẻo Mắm, Nhung Miên, Ông Trang, Cả Nẩy…

Cũng có nhiều địa danh ở đây dùng tên của các vị danh nhân lịch sử. Huyện Ngọc Hiển chính là tên của vị anh hung khởi nghĩa Phan Ngọc Hiển. Hiện ở Tân Ân vẫn còn một cây me, ngay mép sông Rạch Gốc có tên “Cây me truyền thống”. Nghe đâu đó là nơi Phan Ngọc Hiển dấy cờ khởi nghĩa. Các xã khác có tên như Trần Phán, Quách Phẩm…đều là tên của các vị tướng lĩnh dưới quyền của ông. Trường PTTH chuyên Phan Ngọc Hiển của Cà Mau cũng là trường khá nổi tiếng cả nước về tỷ lệ thi đỗ đại học.

R hay G?

Người miền Tây về cơ bản là không nói được chữ R, mà tất cả chữ R ở đầu âm sẽ được nói thành G. Ví dụ “cá rô” sẽ thành “cá gô”, “cái rổ” sẽ thành “cái gổ”, “xong rồi” sẽ thành “xong gồi”. Nếu ai đó hỏi: “Ăn cơm chưa?” thì câu trả lời sẽ là “ăn gồi”. Hồi mới vào trong này, ra chợ được mời mua “cá gô” mình cứ buồn cười mãi. Giờ thì nghe lại thành quen, đôi khi còn nhỡ mồm nói theo như họ nữa chứ.

Nhưng bây giờ mình vẫn thấy hơi khó nghe người miền Tây nói. Hôm trước phỏng vấn một anh nông dân ở Long Điền Tây, tên anh ấy là Dư Anh Tuấn mà mình nghe thành Vũ Văn Tấn và đàng hoàng ghi vào trong sổ, thế mới chết chứ. May mà có cậu cán bộ văn phòng ủy ban đi cùng nhìn thấy chỉnh cho. Còn việc phải hỏi lại là chuyện thường xuyên. Đấy là chưa kể mình hơi lãng tai giống bố nữa chứ (Con gái giống cha giàu ba đụn đấy).

Thursday, March 6, 2008

Hoa cho ngày 8-3


8-3 năm nay mình không có nhà. "Sung sướng" nhất là ông xã vì đỡ hẳn một khoản mua hoa cho vợ. Thôi thì thưởng thức hoa phong lan "của nhà" qua ảnh vậy

Monday, March 3, 2008

Will and Pieter

Will và Pieter là host family của mình khi sang Deventer học 10 tháng năm 1999. Thế là đã 9 năm mình được quen biết và trở nên thân thiết với họ. Lần đầu tiên mình gặp họ ấy là vào tháng 9 năm 1999, Will, Pieter và Ingrid cùng đến dự buổi họp mặt đầu tiên giữa sinh viên của 4 training courses in Larenstein năm đó với các host family ở Deventer. Gặp họ, mình thật sự như được sống trong tình cảm của gia đình. Hàng tuần, khi thì họ đến Sita (ký túc xá của mình hồi đó), khi thì mình đến nhà họ ở Tewllo, cách trường mình khoảng 7km. Nhớ hồi đó mình hay vào bếp nấu các món ăn Việt nam cho họ. Will hay thắc mắc "tại sao cứ đến nhà tao là mày đi thẳng vào bếp". Thì "hay ăn thì lăn vào bếp" mà lại. 10 tháng sống ở Hà Lan khi đó quả thực đã "ngắn" đi nhiều khi mình có một gia đình đỡ đầu như họ. Ông bà có hai cô con gái trạc tuổi mình và đối với họ (như Will nói) thì mình là cô con gái thứ ba, cũng là ít tuổi hơn hai cô kia. Hồi đó Erna đã có gia đình và đang theo chồng ở bên California. Còn Ingrid, cô con gái thứ hai thì chưa có gia đình nhưng chuẩn bị tình nguyện sang Srilanka dạy vẽ cho trẻ em khiếm thị. Thành ra chỉ còn mình "ở nhà" với ông bà ấy.

Ngaỳ chia tay về nước, hai ông bà đưa mình ra sân bay. Mình đã khóc rất nhiều vì tình cảm bịn rịn với ông bà. Mình nói với họ là mình sẽ không bao giờ đi ra nước ngoài nữa, phải xa gia đình là một nỗi khổ, nhưng được gặp rồi phải xa những người như ông bà ấy cũng rất khổ. Một năm sau, năm 2001, 3 tuần trước khi sang Hà Lan để học MSc mình mới mail cho ông bà ấy báo tin mình sắp sang. Bà ấy đã rất mừng và nhắc lại lời nói của mình trước kia. Ngày về nước ông bà ấy cũng đưa mình ra sân bay. Bà ấy còn hứa là khi nào mình có đứa con thứ hai ông bà ấy sẽ sang Việt nam thăm gia đình mình. Lời hứa ấy đã thành hiện thực khi tháng 7 năm 2004 ông bà ấy sang Việt nam và đến ở nhà mình 2 ngày. Chia tay họ và một lời hứa "sẽ cố gắng quay lại Hà Lan một lần nữa". Tất cả đã diễn ra đúng như những gì được lập kế hoạch.

Holand 6

Trong vườn nhà của Will và Pieter, năm 1999

Holand 11

Đạp xe từ Sỉta đến Twello cùng Đông, Pieter, Will và Ingrid, năm 2000

Holand 10

Cùng Will trong ngày Nation Show

Graduation MSc 1

Cùng Will, Erna và con trai Bram trong lễ TN MSc, tháng 1 năm 2003

DSC00437

Will và Pieter cùng bố mẹ mình và Hà Anh leo núi Luốt sau nhà mình, tháng 7 năm 2004

DSC00449

Chiêu đãi Will và Pieter quả trong vườn nhà, tháng 7 năm 2004

Sunday, March 2, 2008

Nghề giáo....nối dài

Tháng 3 năm 1997, cuối cùng thì mình cũng chuyển công tác về trường đại học. Nếu việc xin vào Tây nguyên công tác dễ thế nào thì việc xin chuyển công tác là cả một vấn đề. Phải vận công các kiểu mới xin chuyển công tác được. Đấy là chưa kể 2 trường đều trực thuộc chung một bộ. Mình nhớ thầy Danh hồi đó, đã thuyết phục mình bằng các cách, kiểu như: “Cô có biết là cô đã được quy hoạch làm hiệu phó phụ trách chuyên môn rồi không?”. Rồi lại: “Cô ở lại phục vụ trường 10 năm nữa thì cô mập như cô Tuất ấy” (chẳng là vì hồi mới vào trong đó mình rất gầy, đến lúc xin đi lại rất mập, thực ra mình mập là do sinh đẻ chứ có phải do mình dạy trong đó đâu, hihihi thầy Danh “hơi bị nhầm” cái vụ đó). “Thứ nhất, nhà em không có mả làm quan (bằng chứng là cho đến bây giờ mình vẫn chỉ là giáo viên quèn thôi), thứ hai em mập cỡ này là được rồi thầy ạ (mập quá cũng xấu, eh?”. Đến lượt thầy Danh bótay.com với mình

Về trường Đại học mình lại phải tập sự giảng dạy. Theo như các nhà tổ chức thì giảng dạy ĐH khác với giảng dạy trung cấp nên phải tập sự lại từ đầu. Mà hồi đó tập sự là 2 năm (không như bây giờ chỉ phải tập sự có 1 năm). Thành ra mình được tập sự tận 4 năm. Vì là tập sự nên công việc chính là phải đi nghe giảng, coi thi và đưa sinh viên đi thực tập. Hồi đó khoa QTKD mới thành lập, còn ít người thành ra mấy chị em mình (ít nhất thì mình cũng già nhất trong số giáo viên trẻ hồi bấy giờ) trở thành đội quân coi thi thiện nghệ, thậm chí còn bị sinh viên phong cho danh hiệu “dũng sĩ diệt học bổng”. Hồi đó lần đầu tiên quy chế quy định sinh viên khi vào phòng thi mà có tài liệu (bất kể đã sử dụng hay chưa sử dụng mà bị phát hiện) thì đều bị đình chỉ thi và tất nhiên sẽ bị giám thị coi thi cho ngay điểm 0 vào bảng điểm. Một khi đã bị bắt, lập biên bản và giáng con 0 vào bảng điểm của lớp thì “có Trời mà xin được” nhé. Cũng đã khá lâu rồi (phải đến 4 năm nay) mình không được “tín nhiệm đi coi thi nữa. Một phần vì bộ môn đã có nhiều GV trẻ, mặt khác theo như mọi người đánh giá thì mình bây giờ thuộc dạng “mắt mờ châm chậm” rồi, khó mà bắt được tài liệu trong điều kiện “các hành vi gian lận trong thi cử đã ngày càng trở nên tinh vi”. Thành ra có hôm xin được đi coi thi mà không được.

Thực ra bộ môn mình không có thực tập ở cơ sở sản xuất nhưng vì thiếu người nên hồi đó mình thường phải đưa sinh viên đi thực tập môn Quản trị doanh nghiệp. Địa bàn chủ yếu là ở Lâm trường Lương Sơn. Thực ra Lương Sơn là lâm trường gần Hà nội nhất nếu so với các lâm trường trên toàn quốc, nằm cách thị trấn Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình chỉ 6km và ngay bên trục đường Quốc lộ 6, cửa ngõ Tây bắc. Lâm trường bộ là khu nhà yên tĩnh đến phát sợ. Tối đến chỉ có mỗi một cô phục vụ, văn thư chưa có chồng, đó là cô Nhâm. Một bà cô tương đối khó tính nhưng phải thừa nhận là cô ấy gan thật. Mình nhớ hồi đó dẫn lớp 40 hay 41 Chế biến lâm sản đi thực tập. Các bữa ăn của cô trò được đặt tại nhà anh Thắng lái xe của Lâm trường. Ăn xong tối muộn muộn mới lên nhà khách của lâm trường ngủ. Tối tối, trong và sau bữa ăn mấy ông ở LT cứ giả vờ kể chuyện ma ở dãy nhà khách của LT để dọa mình. Nào là đêm ngủ ma hay dựng giường dậy, rồi trước đây ở cái phòng cô đang ngủ có người treo cổ tự tử…khiếp!!! Thành ra đêm đến mấy cô trò cứ dúm dó đi lên dãy nhà khách, đóng cửa thật nhanh và tìm các loại bàn ghế có thể để chèn cửa. Mà khổ, đối với ma thì những cái đó có nghĩa lý gì cơ chứ.

Năm 1999 hết tập sự, nghĩa là bắt đầu được dạy thì lại phải đi học, lại phải làm sinh viên mất 10 tháng. Trở về tháng 6 năm 2000 thì tháng 9 bắt đầu phải giảng dạy. Được 1 năm thì lại đi học đến tận 2003. Khi đó ngoài giảng dạy thì mình bắt đầu phải hướng dẫn tốt nghiệp cho cả sinh viên chính quy và tại chức. Nhiều lớp sinh viên đã qua, nhưng mình có hạn chế là khả năng nhớ tên và mặt sinh viên cực kỳ kém. Nhiều khi nhìn thấy họ, cứ thấy quen quen, bíết là sinh viên của mình nhưng không thể nào nhớ được họ học lớp nào, tên là gì …Nhưng có lẽ cũng không bao giờ quên được những sinh viên “đặc biệt”, mặc dù không nhớ tên của họ nữa. Đó là câu sinh viên người dân tộc Sách của Quảng Bình. Hồi đó mình dạy lớp 47 cử tuyển môn Lâm nghiệp xã hội. Lớp cử tuyển 100% là người dân tộc thiểu số và do các huyện cử đi học. Ở lớp đó cậu sinh viên sinh năm 1974 nghĩa là chỉ kém mình có 2 tuổi. Đó là người dân tộc Sách đầu tiên đi học đại học. Bố mẹ cậu có 12 người con và cậu cũng bảo có lễ Tết về nhà thì có thể đã có thêm em nữa rồi. Còn cậu đó cứ mỗi năm về hè hoặc Tết thì vợ chồng cậu lại có thêm một đứa con. Very productive!

Một sinh viên cũng khá đặc biệt nữa, rất khó quên. Năm 2005 mình quyết định phải đi thi bằng lái để có thể mua được chiếc xe máy đứng tên của mình. Mặt khác công an bây giờ cũng kiểm tra gắt gao ba cái vụ bằng lái lắm. Mình đăng ký học và thi ở Trung tâm đào tạo lái xe cách nhà mình khoảng 9km. Hôm đi thi thực hành mình sợ nhất là cái mục đi xe trong vòng số 8 và không được chống chân xuống đất. May thay hôm đó giám thị lại là anh sinh viên lớp 37QTKD mà mình đang dạy. Lúc thi xong anh ấy bảo mình: “ Cô chống chân 2 lần nhưng em vẫn cho cô qua”. Cảm ơn anh sinh viên của mình rối rít. Hết đợt học anh ta đến gặp mình ở bộ môn. “ Cô ạ, em biết là em bị trượt tư cách do nghỉ quá 20% số tiết, nhưng em xin cô cho em trượt tư cách mà không phải học lại”. Chẳng là theo quy chế thì nếu sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học (môn của mình 45 tiết, nếu anh nào nghỉ quá 9 tiết thì sẽ phải học lại toàn bộ môn, sau đó mới được thi). Còn trượt tư cách do điểm kiểm tra tư cách dưới 5 thì sẽ không phải học lại mà chỉ được thi lần 2 mà thôi. Vậy là mình “vui vẻ” chấp nhận cho anh ấy “được trượt tư cách” mà không phải học lại. Hòa 1-1. Thì làm nghề nào ăn nghề đó mà lại.

4 năm sau, năm 2007 lại phải dời bỏ vị trí, mà như ta nói là “mất dạy” để đi làm sinh viên một lần nữa. Cứ dạy rồi lại học kể ra cũng có cái hay. Thỉnh thoảng thay đổi môi trường làm việc và học tập, cũng là dịp để củng cố và bổ sung kiến thức, được đi đó đi đây, điều đó làm cho mình không cảm thấy nhàm chán. Thậm chí bây giờ còn nhảy sang quản lý nuôi tôm và chứng chỉ tôm, một lĩnh vực quá mới mẻ với một người có background về lâm nghiệp. Nhưng mình thấy thích, muốn được khám phá những lĩnh vực và địa bàn nghiên cứu mới. Không biết điều gì sẽ xảy ra sau 4 năm nữa nhưng có điều mình vẫn muốn được làm nghề giáo sau khi học xong. Ngẫm lại thì thấy nghề giáo mang lại cho mình nhiều điều quý giá mà quan trọng nhất mình cảm thấy nó phù hợp với khả năng của mình, đó cũng là môi trường luôn tạo cho mình có điều kiện cũng như áp lực được và phải học tiếp.